Nâng cao nhận thức cho lãnh đạo và đội ngũ giảng viên về chuyển đổi số trong các trường đại học
12/03/2021 - 19:40

TĐKT - Ngày 9/3, tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã diễn ra buổi trao đổi chuyên đề về “Chuyển đổi số trong các trường đại học ở Việt Nam”. TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ dự và chia sẻ tại buổi trao đổi.

Tới dự, có Phó Hiệu trưởng Thường trực – TS. Đỗ Quế Lượng và các Phó Hiệu trưởng của nhà trường: GS.TS Nguyễn Công Nghiệp, GS.TS. Đinh Văn Tiến, PGS.TS Hà Đức Trụ, GS.TS Vũ Văn Hóa, PGS.TS Phạm Dương Châu , PGS.TS Đỗ Minh Cương, thầy Trần Đức Minh cùng với lãnh đạo các đơn vị thuộc trường và thành viên Ban Chỉ đạo triển khai chương trình chuyển đổi số của trường.

Toàn cảnh buổi trao đổi chuyên đề

Chuyển đổi số được ngành Giáo dục và Đào tạo xác định là khâu đột phá, nhiệm vụ quan trọng cần chú trọng triển khai thực hiện. Làm tốt chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, mà quan trọng hơn là góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội lớn để hội nhập quốc tế. Nắm bắt được nhanh chóng và nhận ra tầm quan trọng của xu hướng số hóa trong giáo dục, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là trường đại học đầu tiên đưa ra lời mời các chuyên gia từ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đến để trao đổi về chuyên đề chuyển đổi số trong các trường đại học.

Theo báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cuối tháng 9/2020, gần 80% học sinh Việt Nam được học trực tuyến, cao hơn mức trung bình chung của các nước là 67,5%. Tuy vậy, đến nay, chuyển đổi số ở Việt Nam còn gặp nhiều thách thức như hoàn thiện hạ tầng mạng, đầu tư lớn về tài chính và nhân lực, hành lang pháp lý về bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin…

Chia sẻ tại buổi trao đổi, TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã nêu rõ lý do và sự cần thiết của việc chuyển đổi số trong môi trường giáo dục đại học. Theo ông, IoT (Internet of Things – Internet kết nối vạn vật) là một kịch bản của thế giới, khi mà mỗi đồ vật, con người được cung cấp một định danh riêng của nó và tất cả có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay người với máy tính.  Việc tích hợp OT (Công nghệ vận hành) và IT (Công nghệ thông tin) giúp doanh nghiệp có một cái nhìn tổng thể, thống nhất thông tin và quản lý quy trình, bảo đảm con người, máy móc, tài sản, bộ chuyển mạch hay thiết bị nhận được đúng thông tin, định dạng và đúng thời điểm.

TS. Hà Minh Hiệp nhấn mạnh, muốn thực hiện công tác chuyển đổi số, bước đầu phải xác định hiện trạng mức độ tiếp nhận của doanh nghiệp đối với công nghệ 4.0. Việc này giúp các doanh nghiệp bắt đầu tiếp cận các “sáng kiến” của cách mạng công nghiệp 4.0, mở rộng quy mô sản xuất bền vững của doanh nghiệp. Giúp doanh nghiệp trả lời được một số vấn đề về cách mạng công nghiệp 4.0 như: Cách mạng công nghiệp 4.0 là gì và những lợi ích hữu hình mà nó có thể mang lại cho doanh nghiệp; mức độ tiếp cận đối với cách mạng công nghiệp 4.0 của doanh nghiệp; chiến lược, kế hoạch cải thiện một cách có mục tiêu hiện nay; lộ trình tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 một cách hiệu quả…

Chuyển đổi số là một công việc yêu cầu về thời gian, muốn chuyển đổi số trong một ngôi trường đa chuyên ngành như trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một quá trình lâu dài và điều đầu tiên cần làm là nâng cao nhận thức cho lãnh đạo và đội ngũ giảng viên nhà trường. Thời gian sắp tới, nhà trường sẽ tiếp tục tìm hiểu và từng bước cho tiến hành việc chuyển đổi số trong các hoạt động của nhà trường.

                                                                                       Tin: Nguyễn Thu Quỳnh

                                                                                       Ảnh: Việt Anh, Đức Bình