TĐKT - Sáng 18/1, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước tổ chức Hôi nghị triển khai công tác năm 2017. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dự và phát biểu ý kiến.
Năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thành kế hoạch kiểm toán với chất lượng ngày càng cao. Theo kết quả kiểm toán sơ bộ tính đến ngày 31/12/2016, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính gần 36 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2015; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hàng trăm tập thể, cá nhân; chuyển 3 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra. Tỷ lệ thực hiện kiến nghị sau kiểm toán năm 2016 đạt mức cao nhất trong 23 năm hoạt động…
Phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 được Kiểm toán Nhà nước xác định là: phấn đấu cơ bản hoàn thành 8 mục đích của Kế hoạch chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2013 - 2017; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản thi hành Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015; nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán trên cơ sở tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán...
Năm 2017, ngành dự kiến sẽ tổ chức thực hiện 234 cuộc kiểm toán, tập trung đánh giá toàn diện công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, xác nhận báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, ngân sách nhà nước năm 2016; công tác quản lý nợ công, quản lý và sử dụng đất đô thị, khu kinh tế, đất tái định cư và đất nông, lâm trường, tài nguyên, khoáng sản; tình hình cổ phần hóa, thoái vốn, xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước; các dự án giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, sử dụng vốn ODA. Đồng thời, xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó tập trung xây dựng, đưa vào sử dụng có hiệu quả các phần mềm hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý năm 2017, ngành Kiểm toán Nhà nước sẽ phải đối mặt với những vấn đề khó khăn hơn năm 2016: nợ công, xử lý nợ xấu, các dự án kém hiệu quả, gây lãng phí. Đây là những thách thức đòi hỏi Kiểm toán Nhà nước cần sáng tạo, chủ động, kiên quyết hơn trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao. Kiểm toán Nhà nước cần tập trung kiểm toán toàn diện công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, quản lý nợ công; đẩy mạnh kiểm toán đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công nhằm nâng cao giá trị và lợi ích của các báo cáo kiểm toán. Đẩy mạnh công khai kết quả kiểm toán để hoạt động kiểm toán kịp thời cung cấp những thông tin hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách gắn với điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí bằng việc tập trung kiểm toán các lĩnh vực, đối tượng kiểm toán tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, lãng phí, qua đó góp phần tích cực, hiệu quả đối với hoạt động giám sát của Quốc hội và nâng cao vị thế thực sự của Kiểm toán Nhà nước.
Nguyên Hải