TĐKT - Bám sát các phong trào thi đua chung của Khối thi đua các bộ, ngành tổng hợp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tích cực tổ chức phát động thi đua theo đợt, theo chuyên đề với nhiều hình thức phong phú và nội dung thiết thực. Các phong trào thi đua đã tạo không khí phấn khởi và trở thành động lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao của từng đơn vị, tạo nên sức mạnh tổng hợp hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Đào Việt Trung phát biểu tại buổi làm việc về công tác thi đua, khen thưởng với NHNN Việt Nam
Hưởng ứng phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, NHNN đã ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị trong ngành triển khai, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020; “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” và “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trên cơ sở văn bản hướng dẫn triển khai của NHNN, các đơn vị đã cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động thiết thực.
Đặc biệt, trong những năm qua, cấp ủy Đảng và lãnh đạo các cấp đã có nhiều đổi mới về nhận thức và tư tưởng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức về công tác thi đua – khen thưởng. Việc triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của công tác khen thưởng.
Trong quá trình thẩm định hồ sơ, xét khen thưởng, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tại các đơn vị và các Cụm, Khối thi đua trong ngành đã bám sát tiêu chuẩn khen thưởng, đảm bảo khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua nên đã có tác dụng khuyến khích, động viên, nêu gương những tập thể cá nhân điển hình trong các phong trào thi đua. Hồ sơ xét đề nghị khen thưởng đã chú trọng tới chất lượng, phạm vi, mức độ ảnh hưởng của thành tích, vì vậy đã khắc phục được tình trạng khen thưởng tràn lan.
Nhiều đơn vị đã gắn công tác khen thưởng với cải cách hành chính và quan tâm phát hiện, khen thưởng kịp thời tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp; quan tâm khen thưởng và đề nghị khen thưởng cho cá nhân, tập thể ngoài ngành có đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành ngân hàng.
Công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến tiếp tục được NHNN quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo theo văn bản số 4110/NHNN-TĐKT ngày 25/5/2011 về việc hướng dẫn xây dựng và nhân điển hình tiên tiến trong ngành Ngân hàng. Việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân điển hình tiên tiến đã được các đơn vị triển khai thực hiện với nhiều đổi mới và sang tạo. Thông qua các phong trào thi đua xuất hiện nhiều mô hình mới, sang tạo, nhiều điển hình tiên tiến được suy tôn, nêu gương, tạo sự lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực.
Để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ về thi đua – khen thưởng và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thi đua – khen thưởng phát huy hiệu quả, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị và toàn ngành, trong những năm qua, NHNN đã kịp thời ban hành các văn bản quy định về công tác thi đua – khen thưởng.
Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị trong việc tổ chức thực hiện công tác thi đua – khen thưởng, ngoài việc theo dõi, giám sát công tác thi đua – khen thưởng thông qua các báo cáo định kỳ, đột xuất cũng như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hàng năm, NHNN đều thành lập các Đoàn kiểm tra trực tiếp các đơn vị.
Công tác kiểm tra được tổ chức thường xuyên hàng năm theo quy trình nhất định. Thông qua công tác kiểm tra, những thiếu sót trong quá trình triển khai thực hiện công tác thi đua – khen thưởng tại các đơn vị đã được phát hiện và kịp thời chấn chỉnh. Đồng thời, những kinh nghiệm hay, những cách làm sáng tạo trong việc tổ chức các phong trào thi đua được ghi nhận, nghiên cứu để nhân rộng trong toàn ngành.
Song song với đó, đội ngũ công chức chuyên trách công tác thi đua – khen thưởng trong ngành ngân hàng tiếp tục được củng cố và kiện toàn; đã tăng về số lượng và có bước tiến rõ rệt về chất lượng; có phẩm chất chính trị vững vàng, ý thức trách nhiệm cao trong công việc, nghiêm túc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua – khen thưởng; có kinh nghiệm thực tiễn, có khả năng nắm bắt, phát hiện và xử lý những vấn đề mới, phát sinh trong tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện chính sách khen thưởng.
Phát huy thành tích đã đạt được, thời gian tới, NHNN sẽ tập trung vào 10 giải pháp chính: Thứ nhất, tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể trong tổ chức phong trào thi đua. Thứ hai, nâng cao chất lượng khen thưởng, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch; đề cao vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng (người đứng đầu) đơn vị trong công tác đề nghị khen thưởng.
Thứ ba, quan tâm khen thưởng đối với cá tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất và cán bộ trực tiếp làm nghiệp vụ chuyên môn.Thứ tư, chú trọng công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác TĐKT. Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua.
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến. Thứ bảy, xây dựng chương trình, kế hoạch phát hiện, bồi dưỡng các nhân tố mới, điển hình mới trong các phong trào thi đua. Thứ tám, tuyên truyền trong toàn ngành về các mô hình, điển hình, nhân tố mới, những tấm gương có thành tích xuất sắc trong công tác, tạo sự lan tỏa.
Thứ chín, cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính bằng việc áp dụng công nghệ tin học vào công tác TĐKT. Thứ mười, phân cấp, ủy quyền cho bộ máy làm công tác TĐKT và Hội đồng TĐKT các cấp; tăng cường kiểm tra công tác TĐKT.
Theo đó, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết: Bộ máy làm công tác thi đua – khen thưởng tại NHNN phải được kiện toàn theo hướng tinh gọn nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu về công tác này. Với tính chất đặc thù của ngành ngân hàng là hoạt động theo hệ thống dọc từ Trung ương đến cơ sở, với tổng số lao động của ngành là trên 230.000 người, đòi hỏi Vụ Thi đua – Khen thưởng NHNN với tư cách là cơ quan thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng, cơ quan tham mưu cho Ban Cán sự Đảng, Thống đốc NHNN về công tác thi đua – khen thưởng phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hồng Thiết