Nâng cao chất lượng công tác xét xử - mục tiêu quan trọng của cải cách tư pháp
12/09/2017 - 17:12
TĐKT - Chiều 12/9, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tổ chức họp báo thông tin về kết quả Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử theo tinh thần Kết luận số 92 - KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49 -  NQ/TW của Bộ Chính trị. Đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án TANDTC chủ trì họp báo.

Ngày 12/3/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 92-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chinh trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, mục tiêu cải cách tư pháp là: "xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao". Như vậy, có thể thấy, việc nâng cao chất lượng công tác xét xử của tòa án là mục tiêu quan trọng của công cuộc cải cách tư pháp.

Đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án TANDTC chủ trì họp báo.

Hội nghị diễn ra trong các ngày 11, 12/9/2017, tại Hà Nội, đã đánh giá tình hình thực hiện việc nâng cao chất lượng công tác xét xử theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW tại các tòa án và đề ra các giải pháp để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian tới.

Theo báo cáo tại Hội nghị, từ ngày 01/10/2014 đến 31/7/2017, các tòa án đã giải quyết được 1.072.451 vụ án các loại trong tổng số 1.336.861 vụ án đã thụ lý. Nếu so với cùng kỳ của 3 năm trước, số lượng các vụ án tòa án phải giải quyết tăng hơn 205.767 vụ; đã giải quyết tăng 188.081 vụ. Mặc dù số lượng các vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều, nhưng hầu hết đều được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật; số lượng các vụ án để quá hạn luật định do lỗi chủ quan của tòa án đã giảm mạnh qua từng năm, tính đến 31/7/2017 chỉ còn 195 vụ.

Với việc chú trọng làm tốt hoạt động tranh tụng, chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án tiếp tục được nâng lên. Tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan được hạn chế ở mức thấp (dưới 1,5%), đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra. Bên cạnh đó, công tác xét xử vẫn còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót cần được khắc phục trong thời gian tới. 

Để xác định đúng nguyên nhân của các hạn chế, thiếu sót, đồng thời tìm ra các giải pháp để khắc phục, tại Hội nghị, các đại biểu được phân công làm việc theo 10 tổ, thảo luận về các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử của tòa án.  

Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của tòa án nhân dân và tòa án quân sự các cấp trong việc thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử theo tinh thần Kết luận số 92-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. 

Đồng chí yêu cầu tòa án các cấp trong cả nước tiếp tục nâng cao nhận thức, quán triệt sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực và lâu dài của việc thực hiện Kết luận số 92-KL/TW, đồng thời tích cực triển khai 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử. Cụ thể: tăng cường công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; nâng cao chất lượng bản án, quyết định của toà án; công khai bản án, quyết định của tòa án trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân; nâng cao hiệu quả công tác hòa giải; tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ án; tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử;  nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm phán; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại tòa án; đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các tòa án; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của tòa án; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng.

Tại Hội nghị, nhằm giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự và Nhà nước, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác hòa giải trong tố tụng dân sự, Chánh án TANDTC quyết định ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác hòa giải tại tòa án nhân dân và Quy trình, kỹ năng hòa giải vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

Kết thúc Hội nghị, TANDTC tổ chức Chương trình kỷ niệm 72 năm Ngày Truyền thống Tòa án nhân dân, trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tòa án nhân dân cho các đồng chí có quá trình đóng góp đối với sự trưởng thành của Tòa án nhân dân và trao 31 Huân chương, Huy chương cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác.

Trang Lê