TĐKT – Hơn 6 năm là “lính” của Rạng Đông, số lần được cử đến các huyện nghèo, vùng núi cao khó khăn, biển đảo hay những vùng rốn lũ trên khắp cả nước để đem yêu thương của Rạng Đông đến những hoàn cảnh khó khăn, với tôi không còn đếm được trên đầu ngón tay. Mỗi một chuyến đi đều mang lại những cảm xúc khác nhau, những trải nghiệm đầy ý nghĩa. Nhưng có lẽ, chương trình thắp sáng ước mơ vùng cao và chia sẻ yêu thương với người dân bản Cu Vai, Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái là chuyến đi đặc biệt nhất, để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất từ trước đến nay.
Gần 3 giờ sáng, đoàn chúng tôi bắt đầu khởi hành từ Hà Nội. Trải qua quãng đường dài hơn 300 cây số, từ cung đường cao tốc rải nhựa, đến những cung đường đèo núi ngoằn nghoèo, gập ghềnh, hiểm trở cho đến những quãng đường lầy lội, đầy bùn đất, trơn trượt…tất cả đều in dấu những bước chân hơn 10 thành viên trẻ tuổi của đoàn.
Đường lên bản Cu Vai ngập trong bùn lầy, dính như keo
Đường đến Trạm Tấu càng gần thì hình ảnh về một huyện miền núi khó khăn của tỉnh Yên Bái càng lộ ra. Chúng tôi đến đây vào đúng hôm trời mưa, rét, đường sá đầy bùn đất, trơn trượt, nhiều đoạn đường vẫn còn dấu tích của vụ sạt lở do trận lũ lịch sử đợt vừa rồi gây ra nên việc đi lại khá nguy hiểm. Vất vả lắm mới tới được trung tâm huyện. Tại đây, đồng chí Mùa A Páo, Phó Ban chuyên trách Ban kinh tế Hội đồng nhân dân huyện Trạm Tấu đón và nhập đoàn chúng tôi, trở thành “hướng dẫn viên” đồng hành với đoàn trong suốt hành trình đến với bà con bản Cu Vai.
Đồng chí Mùa A Páo nhiệt tình chia sẻ, giới thiệu với đoàn về người dân bản Cu Vai, về xã Xà Hồ và về Huyện Trạm Tấu. Anh bảo, người dân Trạm Tấu nghèo lắm, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, đời sống của đồng bào nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là địa phương phải gánh chịu hậu quả nặng nề và từng bị cô lập hoàn toàn do cơn lũ ống, lũ quét lịch sử trong năm 2017. Cơn lũ dữ không chỉ gây thiệt hại về người và của mà còn khiến cho nhiều gia đình vốn khó khăn nay lại càng khó khăn hơn khi bị cuốn trôi nhiều diện tích hoa màu, cây trồng, vật nuôi – những thứ vốn là nguồn thu chủ yếu của nhân dân nơi đây.
Anh cũng không quên giới thiệu với đoàn về đặc điểm một số nét văn hóa đặc trưng và những điều kiêng kị của đồng bào người Mông. Chỉ tay về phía đỉnh núi cao trước mặt, anh cho biết, bản Cu Vai nằm ở đó.
Người dân xuống chân núi cùng đoàn chuyển đồ lên bản
Với sức khỏe, nhiệt huyết của tuổi trẻ, sau 5 giờ đồng hồ đi bộ trên con đường gập ghềnh và men theo triền núi, cả đoàn mới đến được với người dân bản Cu Vai. Dân trong bản mỗi người một tay, từ đàn ông, đàn bà và trẻ nhỏ đều xuống tận chân núi giúp đoàn vận chuyển những món quà tặng của người miền xuôi gửi lên. Đó là những chiếc chăn bông, bộ quần áo ấm nghĩa tình, những gói bánh, gói kẹo, những quyển vở, cái bút, đôi giày…
Tuy đó là những phần quà bé nhỏ nhưng chan chứa yêu thương, mang theo hơi ấm của bao trái tim con người Rạng Đông dành tặng cho người dân bản Cu Vai, với mong muốn san sẻ những âu lo, gánh nặng trong cuộc sống với người dân nơi đây. Và quan trọng hơn là mong muốn họ có một cái Tết 2018 vui tươi, đồng thời gây dựng niềm tin, cổ vũ tinh thần cho những đứa trẻ ở đây tiếp tục đến trường học con chữ vì một ngày mai tươi sáng hơn.
Đại diện Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông trao quà cho người dân bản Cu Vai
Đoàn đến nơi, anh Mùa A Vàng, Bí thư bản Cu Vai ra đón với thái độ đầy trân trọng. Anh chia sẻ: Bình thường nếu ngày khô ráo đi lên bản chỉ mất 3 tiếng thôi, nhưng hôm nay trời mưa, đường ngập trong bùn lầy, dính như keo, làm việc đi lại, vận chuyển đồ thêm khó khăn và nguy hiểm. Bình thường có rất ít đoàn lên tận bản để trao quà cho bà con, mà đa số là dừng lại, tập trung giao quà ở dưới thị trấn, hoặc có khi ở tận thị xã Nghĩa Lộ và huyện phải cử người lên lấy quà về cho bà con. Nên cả cán bộ và người dân trong bản đều rất quý và trân trọng tình cảm cũng như những món quà tặng thiết thực của đoàn.
Nằm trên một đỉnh núi cao, bản Cu Vai thuộc xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái với hơn 80% người dân là đồng bào dân tộc Mông; cách trung tâm xã gần 20 km đường đồi núi. Bản có khoảng 46 hộ dân. Cuộc sống của họ rất khó khăn, chủ yếu trông chờ vào chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp. Vừa qua, trong đợt mưa lũ lịch sử, người dân bản Cu Vai bị nước lũ cô lập nhiều ngày khiến cho đời sống của đồng bào ngày càng khó khăn chồng chất.
Bừa cơm ngày thường của bà con bản Cu Vai
2 ngày 1 đêm được ăn, ở, giao lưu cùng với đồng bào người Mông ở bản Cu Vai, đoàn càng cảm thông sâu sắc hơn với cuộc sống khổ cực của người dân ở đây. Cuộc sống của họ rất giản đơn, mọi sinh hoạt đều mang tính tự cung, tự cấp. Họ tự cấy lúa, giã gạo, tự may vá quần áo để mặc. Nhiều người già và cả trẻ em nhỏ mùa đông thiếu quần áo ấm. Trời rét cắt da cắt thịt nhưng các bé vẫn đi chân trần, mặc áo mỏng manh, thậm chí có những bé phải quấn mảnh ni - lông quanh người để đỡ rét. Bữa cơm hàng ngày của mỗi gia đình nơi đây vẫn bữa no, bữa đói và chủ yếu bằng khoai, ngô trồng từ nương, rẫy.
Với họ, không có khái niệm nhà tắm, nhà vệ sinh. Trời lạnh cũng như trời nắng ráo, họ tắm ngay ngoài trời. Đi vệ sinh có thể tạm ở một bụi cỏ, khe núi hay thậm chí trẻ con có thể đi ngay trước cửa nhà. Cả bản chỉ có duy nhất một vòi nước sinh hoạt chung.
Cuộc sống của người dân bản còn rất lạc hậu, có những em bé mới 11, 12 tuổi đã lấy chồng sinh con, các em bé được sinh ra cũng không có được điều kiện chăm sóc đầy đủ. Mùa Thị Tòng, một em bé 3 tuổi khi vừa sinh ra đã không có tình thương của cha mẹ. Mẹ em đã bỏ em ở lại cho ông ngoại và đi lấy chồng khác. 80 tuổi ông Mùa Văn Thông vẫn một mình nuôi cô cháu ngoại bé nhỏ. Điều ông Thông mong mỏi lớn nhất là đứa cháu ngoại được no cái bụng, ấm cái thân mỗi ngày.
Cuộc sống khốn khó vậy nhưng người dân sống tình cảm, thật thà, chân chất đúng như cái cây, cái cỏ vậy. Hầu hết các em bé ở đây rất ngoan ngoãn. Cả đêm mà bản không hề có tiếng trẻ con quấy khóc.
Bình thường cứ 7 đến 8 giờ tối là cả bản đã chìm trong giấc ngủ, nhưng đêm đoàn chúng tôi ở lại bản, tất cả các gia đình đã thức đến 23 giờ, quây quần cùng múa hát, giao lưu văn nghệ. Các em bé cũng cùng chúng tôi hát hò rồi ăn uống, vui vẻ.
Đêm trên bản, đoàn ngủ trong nhà anh Mùa A Sứ. Những ngôi nhà bằng gỗ trên đỉnh núi cao nhất của Trạm Tấu không che nổi những cơn gió lạnh rít ngoài trời và những giọt mưa dột qua mái nhà. Gia đình anh phải đốt củi cả đêm và ngủ trên những chiếc chõng tre gần bếp lửa để sưởi ấm. Có lẽ người dân ở đây đã quen với lửa, với khói củi. Còn đoàn chúng tôi, lần đầu tiên nằm bên cạnh bếp củi, không ngủ được phần vì lửa sáng, phần vì khói củi cay xè mắt.
Anh Sứ tâm sự: “Năm nay lạnh quá, lại có cơn lũ quét tràn qua hồi tháng 10, nên đã nghèo lại càng nghèo hơn. Gia đình tôi vụ mùa vừa rồi vừa thu hoạch được 11 tải thóc, nhưng đã ăn hết 3 tải rồi. Số thóc lại chẳng đủ để đến mùa tiếp theo. Nhưng may quá, năm nay nhà tôi trỉa được nhiều ngô hơn.” Vừa nói, anh vừa chỉ lên nóc nhà, rất nhiều ngô treo trên đó, ám mùi khói bếp cho khỏi mọt. Anh vui vẻ, với số ngô này, gia đình sẽ không bị đói nữa. Nói xong, khuôn mặt anh giãn nhẹ ra một chút, vẻ mặt khắc khổ, cam chịu của người dân bản ở đây.
Con gái anh Sứ, bé Mùa Thị Phương, cứ bám rịt lấy chúng tôi suốt 2 ngày ở đó. Đến bữa ăn, cô bé kéo bằng được tôi ngồi lại gần và bảo “Cô ăn cái này đi, ngon lắm”. Thứ cô bé đưa cho tôi là bát nước cơm – thứ ngon nhất mà người dân ở đây dành để đãi khách quý. Bé Phương bảo: “Hôm nay có cô nên mẹ mới chắt nước cơm và nấu nhiều hơn thế này. Bình thường, con ăn nhiều rau, trời lạnh, nên phải ăn nhiều măng ớt cho ấm nữa cô ạ”. Tình cảm của một cô bé ngây thơ đã làm tan chảy trái tim tôi, nước mắt tự dưng cứ lăn dài.
Các em bé xuống tận chân núi tiễn đoàn trong nước mắt và niềm mong mỏi mọi người sẽ quay trở lại bản
Ngày hôm sau, sáng ra, một số người trong đoàn thì vận chuyển quà tặng đến các gia đình, vài tình nguyện viên nữ thì tổ chức chơi vặn bóng bay với trẻ con ở đây. Thấy có bóng bay, chúng xúm lại, mắt tròn, mắt dẹt. Chúng tôi đi 1 bước tụi nhỏ theo 1 bước. Chúng bảo: “Chúng em chưa bao giờ được chơi bóng bay, thích quá các cô ạ”.
Câu nói ngây thơ đó đã chạm đến nỗi lòng của tất cả tình nguyện viên trong đoàn. Ai cũng nghĩ thương những đứa trẻ ở bản Cu Vai, ước mơ chơi bóng giản dị đó cũng trở nên quá xa xỉ đối với chúng, thảo nào ở đây nhiều cháu trong độ tuổi đi học nhưng vẫn chưa được nếm mùi thơm của sách, vẫn phải ở nhà phụ giúp gia đình, kiếm cái ăn, cái mặc. Thưởng cho mỗi đứa một vài quả bóng, chúng chạy tung tăng, cười lên rạng rỡ. Đoàn chúng tôi chỉ ước, sẽ có nhiều thời gian hơn để dành cho chúng; có thêm nhiều món đồ chơi khác cho các em…
Tình cờ, trong chuyến đi này, đoàn được chứng kiến một lễ cưới của người dân tộc Mông. Nó diễn ra rất đơn giản và mộc mạc; chẳng có chụp hình, cũng không có hoa hay loa đài, phông bạt, cả bản cùng nhau làm cơm tất cả quây quần lại ăn cơm mừng đám cưới, đàn ông ngồi riêng 1 chỗ, đàn bà ngồi 1 chỗ. Chúng tôi kết bóng thành những bông hoa tặng cô dâu, chú rể, bắt nhịp cùng với các em bé trên bản hát vang bài hát tặng họ trong ngày vui đám cưới.
2 ngày 1 đêm không phải là quãng thời gian dài nhưng nó thật ý nghĩa và đáng nhớ, để lại cho tất cả thành viên trong đoàn những cảm xúc thật khó tả về những người Mông và cuộc sống của họ ở bản Cu Vai. Hình ảnh những em bé chạy theo, tiễn chúng tôi xuống chân núi, vừa đi vừa khóc và hỏi “cô và mọi người có trở lại đây chơi với chúng em nữa không, chúng em rất nhớ các cô, chú”, hình ảnh những em bé Cu Vai đứng lưng chừng núi vẫy chào và gọi vang khắp núi rừng “chúng em chào các cô, chú” cho đến khi đoàn tôi khuất bóng đã thực sự làm lay động trái tim biết bao người.
Việt Hòa