Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tạo video clip “Con gái thật tuyệt” năm 2019
26/12/2019 - 14:58

TĐKT -  Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12, Tổng cục Dân số tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tạo video clip “Con gái thật tuyệt” năm 2019 và phát trực tuyến trên trang fanpage Hạnh phúc gia đình.

Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho tác giả đạt giải tại Lễ tổng kết

Trong nhiều năm gần đây, mất cân bằng giới tính khi sinh đã và đang là vấn đề nan giải đối với công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình ở nước ta, đặt ra nhiều thách thức đối với toàn xã hội nói chung và công tác dân số nói riêng.

Chính vì vậy, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh là một trong những nội dung trọng tâm được nhấn mạnh tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

Từ ngày 11/10 đến 11/12/2019, Tổng cục Dân số đã tổ chức cuộc thi Sáng tạo video clip “Con gái thật tuyệt” trên trang thông tin điện tử www.cpcs.vn. Đây là một trong nhiều hoạt động truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, đồng thời từng bước đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền theo định hướng của Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.

Cuộc thi được phát động tại Lễ mít tinh hưởng ứng ngày quốc tế trẻ em gái 11/10/2019 càng làm tăng thêm ý nghĩa, mục đích và giá trị nội dung của cuộc thi. Cuộc thi năm nay sử dụng thông điệp bổ trợ xuyên suốt là “Con gái – Hạnh phúc từ những điều giản dị”.

Sau hai tháng tổ chức, Cuộc thi đã nhận được 11.155 bài dự thi đến từ 46 tỉnh/ thành phố, trong đó số bài dự thi hợp lệ được đăng tải là 8.474, thu hút gần 125.000 lượt bình chọn và hơn 30.000 lượt chia sẻ.

Số lượng video dự thi gửi về đã cho thấy sự quan tâm, hưởng ứng đông đảo của các cá nhân và tập thể đối với chủ đề của cuộc thi năm nay. Đáng chú ý, cuộc thi được triển khai trên internet nhưng các tác phẩm dự thi đến từ miền núi, cao nguyên, vùng sâu, vùng xa, những khu vực khó tiếp cận với internet vẫn chiếm một lượng lớn trong tổng số bài thi gửi về cho Ban tổ chức.

Các bài thi có sự đa dạng về cách thể hiện nội dung, từ đóng tiểu phẩm, bản tin, thuyết trình, phóng sự, tự sự, clip ảnh, kỹ xảo đồ họa hay hoạt hình. Bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, khai thác câu chuyện về phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, nhà trường, nơi làm việc, vấn đề bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh đã được truyền tải một cách sinh động và hấp dẫn, đem tới cảm xúc và gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa. Điều này góp một phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả truyền thông về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và bình đẳng giới, cũng chính là mục tiêu của cuộc thi.

Bước sang năm thứ ba tổ chức với chủ đề về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, cuộc thi năm nay tiếp tục thu hút nhiều thành phần tham gia từ học sinh, sinh viên đến các giáo viên, văn nghệ sĩ, sĩ quan quân đội cũng như các cá nhân/người lao động trong các lĩnh vực khác. Đặc biệt có sự tham gia của các tác giả/nhóm tác giả là người dân tộc thiểu số như dân tộc Tày, dân tộc Ê-đê…

Với sự đa dạng đó, quan điểm của các tác giả về ý nghĩa và giá trị của con gái được thể hiện dưới nhiều góc độ khác nhau, vừa truyền thống vừa hiện đại nhưng vẫn bám sát được chủ đề và thông điệp của cuộc thi.

Sau 2 tháng triển khai, được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Dân số, cuộc thi cơ bản đã đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, cung cấp thông tin, kiến thức về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Cuộc thi đã tiếp cận được lượng lớn các thanh niên nam, nữ và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, là đối tượng quan trọng của công tác truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh. Cuộc thi là cơ hội để nhóm đối tượng này chủ động tiếp cận thông tin và thực hiện việc không lựa chọn giới tính thai nhi, nâng cao vị thế của phụ nữ và em gái trong gia đình và xã hội.

Không chỉ vậy, các tác giả và nhóm các tác giả tham gia cuộc thi chính là những tuyên truyền viên tích cực mang thông điệp của mình quay trở lại đời sống nhằm chuyển đổi hành vi có lợi của từng nhóm đối tượng về bình đẳng giới và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

Công tác tổ chức cuộc thi đã được thể hiện ngày một chuyên nghiệp, từ khâu xây dựng Kế hoạch, ban hành các Quyết định thành lập Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và Tổ Thư ký đến việc tổ chức các hoạt động truyền thông bên lề cuộc thi và kết nối tương tác chặt chẽ với các nhóm đối tượng trên mạng xã hội…

Sức lan tỏa của Cuộc thi lại thêm một lần nữa khẳng định việc ứng dụng công nghệ và tận dụng lợi thế mạng internet là rất phù hợp và có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp cận đến người dân để truyền thông về dân số và phát triển, đặc biệt trong công tác truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

Có thể nói, Cuộc thi là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12.

Hồng Thiết