TĐKT - Ngày 25/4, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến tổng kết Quyết định số 133/2002/QĐ-TTg ngày 9/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan trong đấu tranh phòng, chống các tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển”. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu ý kiến.
Trong những năm qua, sự phối hợp giữa các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển trong công tác phát hiện, đấu tranh chuyên án và điều tra các vụ án về ma túy ngày càng được tăng cường hơn. Trong đó, tỷ lệ phát hiện, bắt giữ tội phạm và thu giữ ma túy ở 25 tỉnh biên giới đất liền đã tăng lên (từ 10% năm 2002 đến nay lên trên 25% tổng số vụ trong cả nước), thể hiện sự phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng trong phòng, chống ma túy, quyết tâm đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy ngay từ địa bàn biên giới, hạn chế đến mức thấp nhất lượng ma túy mua bán, vận chuyển trái phép vào trong nội địa. Đặc biệt, đã khám phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, triệt phá nhiều tụ điểm phức tạp về ma túy tại các tuyến, địa bàn trọng điểm.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị
Theo thống kê của Bộ Công an, có trên 10% số vụ trong tổng số vụ của 44 tỉnh, đơn vị ở cấp Bộ phát hiện bắt giữ có sự phối hợp điều tra giữa 4 lực lượng. Sự phối hợp này không chỉ ở giai đoạn trao đổi thông tin mà có nhiều vụ đã phối hợp ngay từ khi xác lập, đấu tranh chuyên án, điều tra ban đầu và điều tra mở rộng vụ án… Do đó tạo thuận lợi, kịp thời, hiệu quả trong điều tra, xử lý tội phạm.
Việc thực hiện Quyết định số 133 của Thủ tướng Chính phủ đã được 4 lực lượng ở các cấp quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả trên nhiều nội dung công tác. Nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ các lực lượng tiếp tục được nâng lên, phát huy được vai trò chủ công, nòng cốt, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết gắn bó chặt chẽ hơn trong công tác phối hợp phòng chống tội phạm ma túy trong cả nước nói chung và ở khu vực biên giới, cửa khẩu, trên biển nói riêng. Các lực lượng đã phối hợp thực hiện tốt chức năng tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể xã hội và toàn dân tham gia công tác phòng chống tội phạm ma túy, góp phần kiềm chế sự gia tăng, không để tội phạm ma túy hoạt động phức tạp kéo dài tại địa bàn biên giới. Công tác phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong trao đổi, xử lý, xác minh thông tin, xác lập, đấu tranh chuyên án chung từng bước đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả. Các bên đã thường xuyên hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, sử dụng các phương tiện kỹ thuật, góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ của từng lực lượng và chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp. Việc mở rộng mối quan hệ phối hợp với Công an, Cảnh sát các nước Lào, Trung Quốc, Campuchia được tăng cường không chỉ ở cấp Trung ương mà cả cấp địa phương, cơ sở, đặc biệt là đối với lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy của nước Bạn…
Phát biểu tại Hội nghị, đánh giá cao kết quả phối hợp đã đạt được giữa các lực lượng trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý: thời gian tới, tình hình tội phạm ở khu vực biên giới, cửa khẩu, trên biển tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, nhất là tội phạm về ma túy, môi trường, tội phạm mua bán người, buôn lậu, đối tượng truy nã… Hoạt động của các loại tội phạm ngày càng có xu hướng cấu kết chặt chẽ, đan xen lẫn nhau, hình thành các băng nhóm, tổ chức, đường dây tội phạm hoạt động lưu động liên tỉnh, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài ngày càng rõ nét hơn. Do đó, các lực lượng cần tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy và hành động trong công tác nắm, phân tích, dự báo tình hình, kịp thời tham mưu, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tiếp tục phối hợp làm tốt công tác tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, các chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương Đảng, Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, phòng, chống mua bán người; tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện tốt các kế hoạch phòng, chống tội phạm mà Chính phủ xác định là trọng tâm. Tích cực phối hợp tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận “lòng dân”. Thường xuyên xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến theo hướng xã hội hóa ngày càng cao với nhiều hình thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải ngay từ cơ sở. Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng của các nước láng giềng, các nước trong khu vực và trên thế giới trong bảo vệ, quản lý an ninh, chủ quyền biên giới lãnh thổ và phòng, chống tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự…
Nhân dịp này, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Tổng cục Hải quan đã ký kết Quy chế phối hợp đấu tranh phòng, chống các tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển.