Khởi động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine
15/05/2019 - 15:43

TĐKT - Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với Sở Y tế tỉnh Điện Biên  chính thức tổ chức sự kiện “Khởi động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine”...

Theo báo cáo của Bộ Công an cuối năm 2018, Việt Nam có khoảng hơn 220.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó trên 60% là nghiện các chất dạng thuốc phiện. Người nghiện chất dạng thuốc phiện, tiêm chích ma túy là nhóm có tỷ lệ nhiễm HIV cao do sử dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma túy.

Nghiện ma túy hiện được coi là bệnh mạn tính của não bộ, chưa có phương thuốc đặc hiệu để chữa khỏi. Các giải pháp cai nghiện hiệu quả không cao, tỷ lệ tái nghiện lớn.

Do vậy, hơn 80 quốc gia trên thế giới đã triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện cho hàng triệu bệnh nhân bằng thuốc thay thế, chủ yếu là Methadone, Subuxone và Buprenorphine.

Cắt băng khởi động chương trình điều trị nghiện bằng Buprenorphin

Tại Việt Nam, điều trị Methadone đã được triển khai 10 năm qua ở tất cả các tỉnh/thành phố trên toàn quốc, với hơn 54.000 người bệnh đang được điều trị bằng Methadone.

Mặc dù Methadone là biện pháp an toàn và hiệu quả cao, tuy nhiên, việc bệnh nhân phải đến cơ sở y tế hàng ngày để uống cũng là một trở ngại trong duy trì điều trị,  nhất là với bệnh nhân các tỉnh miền núi hoặc vùng sâu vùng xa. Đây là một trong những lý do Cục PC HIV/AIDS, Bộ Y tế bắt đầu triển khai điều trị Buprenorphine, là một giải pháp bổ sung cho điều trị Methadone.

Về chuyên môn, Buprenorphine có tác dụng như Methadone, giúp người nghiện giảm và tiến đến ngừng lệ thuộc các chất dạng thuốc phiện khác, giảm hội chứng cai; phòng được các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B viêm gan C…

Nhưng lợi thế của Buprenorphine là có tác dụng kéo dài nên bệnh nhân chỉ phải đến cơ sở y tế 2 - 3 ngày một lần ngậm thuốc khi đã đạt ổn định liều. Điều này giúp giảm thời gian đi lại cho người bệnh, đặc biệt phù hợp với các bệnh nhân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa; thuốc Buprenorphine cũng an toàn và ít tác dụng phụ hơn so với Methadone và không tương tác với thuốc ARV, không gây tăng liều khi người bệnh dùng kết hợp 2 thuốc này. Điều này rất thuận lợi cho người bệnh đang điều trị Buprenorphine có kết hợp điều trị ARV.

Tuy nhiên, phương thức sử dụng thuốc Buprenorphine phức tạp hơn Methadone. Do sử dụng đường ngậm dưới lưỡi, tan chậm nên thời gian người bệnh phải ngồi đợi thuốc tan hết khoảng 7 - 10 phút, thuốc có vị hơi đắng trong khi Methadone uống xong về được ngay. Giá thành thuốc Buprenorphine cũng đắt hơn khi so sánh cùng liều dùng với Methadone.

Với những lợi ích chung, Bộ Y tế có chủ trương đưa thuốc Buprenophine vào điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện, không phải để thay thế MMT, mà là bổ sung thêm một sự lựa chọn cho người bệnh, đặc biệt phù hợp với bệnh nhân ở xa cơ sở y tế và các bệnh nhân đang điều trị thuốc ARV.

Cục đã ban hành các hướng dẫn chuyên môn; tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến; cung cấp đủ thuốc Methadone và Burprenorphine miễn phí cho các địa phương; thường xuyên giám sát, hỗ trợ kỹ thuật; phối hợp với các địa phương đánh giá kết quả, liên tục cải tiến để nâng cao chất lượng điều trị, đáp ứng tốt nhu cầu của người bệnh và cộng đồng.

Trên cơ sở kết quả từ các điểm điều trị ban đầu tại 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La và Nghệ An trong đợt này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế có kế hoạch mở rộng ra các tỉnh, thành phố trước mắt ưu tiên các tỉnh miền núi và sau đó mở rộng  trên toàn quốc.

La Giang