Khó khăn trong mở rộng người tham gia BHXH, BHYT
26/12/2022 - 12:57

TĐKT- Tính đến hết tháng 11/2022, mặc dù số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn Nghệ An tăng so với cùng kỳ và cả thời điểm cuối năm 2021, nhưng địa phương này vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn trong việc thực hiện chỉ tiêu năm 2022. Cụ thể, chỉ riêng tháng 11/2022, tỉnh Nghệ An tăng 13.418 người tham gia BHYT so với tháng trước, đưa tổng số người tham gia BHYT tại tỉnh này lên 2.865.235 người, tăng 52.871 người so với cuối năm 2021, đạt 96,08% chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao.

Khó khăn trong mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm

Tuy nhiên, do tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghệ An có 266.400 người không còn thuộc nhóm được NSNN hỗ trợ miễn phí BHYT. Hiện tại, Nghệ An đã vận động được 185.000 người tiếp tục tham gia theo các nhóm đối tượng khác; còn hơn 81.000 người chưa tham gia. Thời gian qua, BHXH tỉnh Nghệ An đã tập trung nhiều giải pháp như tuyên truyền, vận động, hỗ trợ để người dân tham gia BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi KCB, nhưng nhóm đối tượng này vẫn chưa tham gia BHYT trở lại.

Về BHXH bắt buộc, trong tháng 11/2022, Nghệ An tăng 824 người tham gia so với tháng trước, đạt 95,52% chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao. Tuy nhiên, con số này đã có thể cao hơn, nếu như trong tháng 11, trên địa bàn Nghệ An không bị sụt giảm 1.257 NLĐ do không có việc làm, thuộc các ngành nghề dệt may-da giày, hàng dân dụng...

Bên cạnh đó, theo tính toán, trong tháng 12/2022, BHXH tỉnh Nghệ An phải phát triển hơn 27.000 người tham gia BHXH tự nguyện, thì mới hoàn thành chỉ tiêu giao của BHXH Việt Nam. Trong khi đó, khó khăn đặt ra hiện nay là việc tăng mức đóng BHXH tự nguyện theo mức chuẩn nghèo mới được quy định tại Nghị định số 07/NĐ-CP, đã tác động đến việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Hiện tại, Nghệ An có hơn 16.286 người tham gia BHXH tự nguyện đã hết hạn đóng nhưng chưa tiếp tục tham gia, do người dân gặp khó khăn với mức đóng mới...

Tình trạng khó khăn tương tự cũng diễn ra với BHXH tỉnh Thái Bình. Theo thống kê, hiện địa phương này đang có 225.644 người tham gia BHXH bắt buộc (tăng 8.010 người so với năm 2021); 51.383 người tham gia BHXH tự nguyện (tăng 10.505 người so với năm 2021); 214.640 người tham gia BH thất nghiệp (tăng 7.027 người so với năm 2021). Tuy nhiên, về BHYT lại giảm 3.640 người so với năm 2021, khiến tỉnh Thái Bình chỉ còn 1.615.970 người tham gia (đạt tỷ lệ bao phủ 86,2% dân số), trong đó BHYT hộ gia đình có 479.703 người tham gia.

Tại Thanh Hóa, số người tham gia BHXH, BHYT tính đến ngày 30/11/2022 là 3.305.114 người, tăng 29.908 người (0,91%) so với tháng trước, tăng 10.285 người (0,31%) so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, về BHYT, Thanh Hóa hiện có trên 3,22 triệu người tham gia, sụt giảm khoảng 17.760 người so với thời điểm cuối năm 2021. Theo thống kê, sau khi Quyết định số 861/QĐ-TTg được ban hành, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 51 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi rak khỏi diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025; đồng thời có trên 345.000 người thuộc hộ cận nghèo không tiếp tục được NSNN đóng BHYT.

Do đó, khi bước sang năm 2022, số người tham gia BHYT trên địa bàn Thanh Hóa đã sụt giảm trên 292.000 người; nhiều huyện miền núi có tỷ lệ người tham gia BHYT giảm từ 15-20% so với tháng 12/2021. Thời gian qua, cơ quan BHXH đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia BHYT theo các nhóm khác, nhưng vẫn chưa đưa hết danh sách sụt giảm này trở lại hệ thống BHYT...

HT