TĐKT - Chiều ngày 20/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Họp báo thông tin chương trình Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế trong APEC và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội 9 tháng đầu năm 2017. Đến dự có Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan.
Được biết, tuần lễ Diễn đàn phụ nữ với nền kinh tế của APEC và các sự kiện liên quan sẽ diễn ra từ ngày 26/9 – 30/9 năm 2017, tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó, có các sự kiện Đối thoại chính sách cao cấp về phụ nữ và kinh tế; Đối thoại công tư về phụ nữ và kinh tế trong APEC.
Với chủ đề chính “Tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi”, sự kiện hội tụ các đại diện cấp cao của nhiều đối tác quan trọng trên thế giới. Chủ đề của Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế trong APEC 2017 sẽ có ý đóng góp vào nỗ lực chung của APEC, đồng thời, cũng tiếp tục triển khai các khuyến nghị của các Nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC năm 2016 về hội nhập hiệu quả kinh tế, tài chính và xã hội, nâng cao quyền năng của phụ nữ cũng như tiếp cận bình đẳng của họ nền giáo dục có chất lượng và các nguồn lực kinh tế. Và đặc biệt, đóng góp vào thực hiện các ưu tiên của APEC 2017 vì thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm. Những nỗ lực này cũng góp phần thúc đẩy trách nhiệm của APEC đối với vấn đề toàn cầu.
Quang cảnh họp báo
Dự kiến Diễn đàn sẽ thông qua tuyên bố Bộ trưởng về Phụ nữ và Kinh tế. Tuyên bố chung này sẽ đưa ra những khuyến nghị chính sách cho 21 nền kinh tế thành viên APEC về 3 nội dung ưu tiên lớn của năm 2017 với những nội dung trọng tâm: thúc đẩy bình đẳng giới vì tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực.
Bản Tuyên bố này sau đó sẽ được trình lên các Nhà Lãnh đạo APEC tại Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng.
Diễn đàn cũng sẽ mang lại là cơ hội quảng bá, xúc tiến đầu tư quý báu cho Việt Nam. Đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam, góp phần quảng bá về văn hóa, con người và du lịch Việt Nam thông qua thực hiện thành công về dấu ấn tổ chức, văn hóa dân tộc, ẩm thực và du lịch. Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phụ nữ và kinh tế và hội nhập quốc tế đối với bộ, ngành, cơ quan và khu vực tư nhân của Việt Nam tham gia Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và kinh tế trong APEC và các sự kiện liên quan.
Những kết quả đó sẽ góp phần tăng cường sự kết nối giữa các doanh nhân nữ APEC; tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa khu vực công và khu vực tư; tạo thêm các cơ hội cho các doanh nghiệp, doanh nhân nữ tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của khu vực; thúc đẩy hơn nữa sự hội nhập và quyền năng kinh tế của phụ nữ khu vực APEC theo 5 trụ cột ưu tiên của APEC.
Hồng Thiết