Hơn 2000 sinh viên trường nghề được đào tạo kỹ năng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu lao động thời đại 4.0
23/05/2018 - 15:26

TĐKT - Sáng 23/5, tại Hà Nội, tổ chức Plan International phối hợp Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội và Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị tổ chức Hội thảo Công bố tài liệu và chia sẻ kinh nghiệm lồng ghép kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo nghề.

Bộ tài liệu được xây dựng dựa trên đánh giá thực trạng kiến thức, kỹ năng sống của thanh niên đang theo học chương trình nghề và yêu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng của các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Sau 2 năm triển khai và áp dụng, 100% sinh viên của hai trường Cao đẳng nghề đã được cung cấp các kiến thức và kỹ năng cần thiết nhằm thích ứng được với môi trường học nghề, đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng bước vào thị trường lao động.

Đối với thanh niên học nghề nói chung và nhóm thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, việc phát triển bản thân và sẵn sàng làm việc càng trở nên quan trọng và cần thiết để nắm bắt cơ hội thành công cho chính họ. Trong bối cảnh của Việt Nam, thị trường lao động luôn yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng và tận tâm.

Trong khi đó, nhận thức về ý nghĩa của việc học nghề, có việc làm ổn định vẫn là một khoảng trống đối với thanh niên tham gia học nghề. Thu hẹp khoảng cách giữa mong đợi của doanh nghiệp và người lao động là nội dung tiên quyết, cần được chuẩn bị cho các bạn thanh niên.

Hội thảo Công bố tài liệu và chia sẻ kinh nghiệm lồng ghép kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo nghề

Nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn đó, dự án đã xây dựng một bộ tài liệu đào tạo kỹ năng mềm 60 giờ, bao gồm tài liệu giảng dạy dành cho giáo viên và sách thực hành dành cho học sinh.

Bộ tài liệu đã được triển khai thử nghiệm với hơn 2000 sinh viên của hai trường nghề, được đánh giá có tính áp dụng cao và hiệu quả trong thực tiễn. Bộ tài liệu cũng được xây dựng với mục đích sử dụng rộng rãi cho tất cả các nhóm thanh niên học nghề từ hệ đào tạo trung cấp đến cao đẳng.

Hội thảo mang đến cho các đại biểu những góc nhìn thực tiễn của giảng viên, sinh viên trong quá trình triển khai chương trình lồng ghép kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo nghề. Bên cạnh đó, hội thảo cũng là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng các thành công của dự án.

Ông Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội cho biết: “Suốt hơn 40 năm hình thành và phát triển, trường chúng tôi luôn chú trọng phát triển kỹ năng mềm song song với chương trình đào tạo nghề. Hiện nay chúng tôi đã có được một đội ngũ giáo viên đào tạo kỹ năng mềm cơ hữu. Chương trình này còn được đánh giá cao từ phía các đối tác doanh nghiệp đang hợp tác với chúng tôi trong tuyển dụng lao động”.

Cô Trần Thị Sinh, giáo viên dạy kỹ năng mềm, Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị chia sẻ: “Chương trình đào tạo kỹ năng mềm này thực sự có giá trị không chỉ đối với học sinh mà còn với cả giáo viên. Chúng tôi thấy được sự thay đổi rõ rệt của học sinh, sự mạnh dạn và tự tin, sự quyết tâm và nghị lực sau từng bài giảng. Bản thân giáo viên chúng tôi cũng thay đổi rất nhiều từ thái độ đến ý thức trách nhiệm với học sinh”.

Nhóm biên soạn tài liệu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

“Em đã thực sự thay đổi trong cách nghĩ và giao tiếp với mọi người. Trước đây em không có định hướng cho cuộc sống của mình. Em thậm chí còn không biết làm gì để có thể giúp đỡ được gia đình mình. Em đã từng có suy nghĩ rằng em không có khả năng để làm được điều gì tốt hơn. Bây giờ em đã có kế hoạch rõ ràng cho cuộc sống của em: Hoàn thành khóa học để về làm việc ở tỉnh và giúp đỡ vợ em đi học nghề may như mong muốn của cô ấy” - Chia sẻ của Lò Văn Ngọc, khóa trung cấp Đường ống công nghệ 3, đến từ tỉnh Sơn La.

Bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội mong muốn chương trình này sẽ tiếp tục được chia sẻ và áp dụng ở nhiều trường nghề tại TP Hà Nội.

Hưng Vũ