TĐKT - Hội thảo Việt Nam học lần thứ 5, chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu” tại Hà Nội, sau 2 ngày 15 -16/12 đã kết thúc thành công với sự tham gia hơn 500 nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý..., trong đó có hơn 100 học giả quốc tế.
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần 5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội
Hội thảo đã nhận được 800 bài tham luận, trong đó có 100 báo cáo của các học giả quốc tế đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước đã công bố những kết quả nghiên cứu mới, tập trung thảo luận, trao đổi về các chủ đề thuộc sáu nhóm lĩnh vực.
Chủ đề đầu tiên là ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế. 5 nội dung cụ thể đã được bàn thảo. Một là Việt Nam và các nước trong trật tự khu vực, ngoại giao văn hóa, vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Việt Nam và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hai là nguồn lực văn hóa như cấu trúc, dạng thức và phương thức phát huy nguồn lực văn hóa, giao lưu và tiếp biến văn hóa, sự phát triển của hệ giá trị Việt Nam, công nghiệp văn hóa Việt Nam, nhân cách, lối sống người Việt và các xu hướng phát triển. Ba là giáo dục và phát triển nguồn nhân lực với những nội dung: chính sách và nguồn lực giáo dục, giáo dục sáng tạo và khởi nghiệp, xây dựng xã hội học tập… Bốn là chuyển giao tri thức và công nghệ, trong đó các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý sẽ cùng nhau trao đổi về những chính sách và nguồn lực phát triển thị trường khoa học và công nghệ, các công nghệ chiến lược của Việt Nam, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp.
Ở chủ đề thứ năm là kinh tế và sinh kế, ban tổ chức cho biết những nội dung được các chuyên gia, nhà nghiên cứu quan tâm nhất là kinh tế vĩ mô Việt Nam, kinh tế ngành và lĩnh vực ở Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam, thu nhập và công bằng xã hội, môi trường, di dân, đô thị hóa, kinh tế xanh và kinh tế bao trùm...
Vấn đề cuối cùng được đưa ra thảo luận tại hội thảo lần này là biến đổi khí hậu. Các đại biểu đã tham gia đánh giá, dự báo khả năng và giải pháp thích ứng, kinh tế và các mô hình sinh kế thích ứng, đánh giá và dự báo phát thải khí nhà kính, các giải pháp, mô hình và kinh tế giảm nhẹ biến đổi khí hậu, ứng phó biến đổi khí hậu và mô hình phát triển bền vững.
Ngoài việc tiếp tục là diễn đàn học thuật lớn nhất về Việt Nam học, kênh giao lưu, trao đổi của các nhà nghiên cứu, Hội thảo Việt Nam học lần này đã góp phần củng cố quan hệ và mạng lưới nhóm chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về Việt Nam học.
Theo kế hoạch, các kết quả của hội thảo sẽ được tập hợp thành các báo cáo tư vấn chính sách cho Chính phủ và các bộ ngành, góp phần thiết thực cho việc hoạch định các chính sách phát triển quốc gia, giải quyết những vấn đề thời sự của đất nước.
Hồng Thiết