TĐKT - Chiều 19/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo "Công tác quản lý báo chí của Liên hiệp hội Việt Nam" và kết hợp gặp mặt các cơ quan báo chí nhân dịp 21/6.
Hiện nay, Liên hiệp Hội là một trong những hệ thống tập hợp báo chí lớn nhất Việt Nam hiện nay. Thống kê đến tháng 1/2017, toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam có 103 cơ quan báo chí và 402 ấn phẩm thông tin báo chí (gồm 126 báo, tạp chí; 65 bản tin và 211 trang tin điện tử tổng hợp).
Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức – Liên Hiệp hội Việt Nam Đặng Vũ Cảnh Linh cho biết: số lượng báo và tạp chí do Đoàn chủ tịch Hội đồng Trung ương quản lý là 24 cơ quan báo chí và gần 40 xuất bản phẩm báo chí. Trực tiếp Đoàn chủ tịch quản lý gồm 4 cơ quan báo chí trong đó có 2 cơ quan báo in và 2 cơ quan báo điện tử, là Báo Đất Việt, Báo Khoa học và Đời sống, Báo điện tử Kiến Thức và Báo điện tử Tầm Nhìn. Ngoài ra, có 20 cơ quan báo chí do tổ chức chức khoa học và công nghệ trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam quản lý bao gồm các tạp chí khoa học chuyên ngành, liên ngành và tạp chí khác.
Theo báo cáo của Liên hiệp Hội Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2017, hầu hết các cơ quan báo chí đã chấp hành nghiêm các chỉ đạo thông tin của Bộ Thông tin truyền thông và Ban Tuyên giáo Trung ương, Liên hiệp Hội Việt Nam, hoạt động đúng, tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích, không ngừng cải thiện nội dung, phương pháp làm báo, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin ngày càng cao của bạn đọc.
Nhiều cơ quan báo chí cũng đã đảm bảo được việc cân đối thu, chi tài chính cho các hoạt động của báo, đảm bảo sự ổn định trong các hoạt động chuyên môn và đời sống cho phóng viên, biên tập viên.
Năm 2016 cũng là năm báo chí Liên hiệp Hội Việt Nam ít có những vi phạm trong các vụ việc bị cơ quan quản lý nhà nước nhắc nhở, xử phạt. Chỉ có 2 trường hợp bị tạm đình bản (hiện đã được hoạt động trở lại), không có trường hợp bị giải thể.
Bên cạnh đó có một số cơ quan tạp chí mới được cấp phép hoạt động, điển hình là Tạp chí Việt Nam Hội nhập (4 số/ tháng), Tạp chí Nhà quản lý điện tử. Ngoài ra có 7 tổ chức khoa học công nghệ thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam đang làm hồ sơ đề xuất xin cấp phép cơ quan báo chí.
Về công tác quản lý, cùng với đề án Kiện toàn tổ chức Liên hiệp Hội Việt Nam được nghiên cứu, thực hiện từ năm 2016, vừa qua Liên hiệp Hội Việt Nam đã quyết định đổi tên Ban Thông tin và Phổ biến kiến thức, bộ phận tham mưu, giúp việc cho Thường trực Đoàn Chủ tịch trong công tác quản lý báo chí thành Ban truyền thông và Phổ biến kiến thức, với các nhiệm vụ được xác định rõ ràng, đáp ứng yêu cầu quản lý số lượng lớn cơ quan, ấn phẩm báo chí trong tình hình hiện nay.
Hồng Thiết