TĐKT - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phối hợp với Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế về thực phẩm chức năng lần thứ 2.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, là một nước nhiệt đới với nhiều nguồn nguyên liệu tự nhiên phong phú, đa dạng, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm chức năng, phát triển thêm nhiều sản phẩm mới chất lượng tốt, chuẩn hóa quy trình sản xuất sản phẩm an toàn, hướng tới xây dựng ngành thực phẩm chức năng bền vững và phát triển tiến bộ.
Chủ tọa Hội nghị
Ngoài ra, công tác nghiên cứu khoa học cũng liên quan mật thiết với quy định quản lý an toàn thực phẩm sản phẩm thực phẩm chức năng, vì các kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở, bằng chứng khoa học trong công bố công dụng của sản phẩm, là căn cứ để các nhà quản lý cho phép công bố sản phẩm và quản lý việc quảng cáo đúng chức năng, công dụng thực tế của sản phẩm.
Theo PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, hiện nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng liên tục tăng, năm 2000 mới chỉ có khoảng 60 sản phẩm thực phẩm chức năng của 15 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến nay, cả nước đã có tới 3.600 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 6.800 sản phẩm đang lưu hành.
Tuy nhiên, một thực tế là nhiều doanh nghiệp biến mặt hàng này thành đa cấp, bất chính, khiến ngành thực phẩm chức năng bị biến tướng. Bên cạnh đó, lợi dụng kẽ hở, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng đã đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, công dụng không đúng với quảng cáo, mất niềm tin với người tiêu dùng.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm chỉ ra những tồn tại về thực phẩm chức năng trong thời gian qua. Đó là tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, quảng cáo khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định nội dung, vi phạm các quy định cấm quảng cáo theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, sản xuất thực phẩm chức năng không đúng với chất lượng như bản đăng ký công bố sản phẩm; ghi nhãn sản phẩm không đúng với các quy định của pháp luật, sản xuất thực phẩm chức năng khi chưa đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; sản xuất ở nơi không có đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trong thời gian tới, Chính phủ cũng như các bộ, ngành sẽ triển khai quyết liệt việc quản lý thực phẩm chức năng. Các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng phải áp dụng thực hành sản xuất tốt GMP theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện nghiêm túc công bố sản phẩm theo quy định, triển khai quyết liệt việc xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Hội nghị cũng nghe nhiều tham luận của các đại biểu trong nước và quốc tế về các vấn đề liên quan đến quản lý an toàn thực phẩm đối với thực phẩm chức năng; quá trình hình thành, phát triển và hội nhập quốc tế trong quản lý; các nghiên cứu chuyên đề về thực phẩm chức năng.
Hồng Thiết