TĐKT - Trong những năm qua, Học viện Tòa án tiền thân là Trường Cán bộ Tòa án trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao đã làm tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng thực hành, góp phần quan trọng nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ nghề nghiệp cho đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án cho hệ thống Tòa án. Nhiều thế hệ cán bộ Tòa án được đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện đã được bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp, là những Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án vững vàng về chính trị, tinh thông nghiệp vụ, thực hiện tốt công tác xét xử, xứng đáng là những người được trao trách nhiệm nhân danh Nhà nước CHXHCN Việt Nam giữ cán cân công lý và bảo vệ công bằng xã hội.
Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra nhiệm vụ về cải cách tư pháp, trong đó trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của TAND. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, việc xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án có phẩm chất đạo đức trong sạch, bản lĩnh chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa... là một yêu cầu cấp bách đối với TAND các cấp. Đây đồng thời là nhiệm vụ quan trọng, trọng trách to lớn đối với tập thể thầy và trò Học viện Tòa án.
Phó Giám đốc phụ trách Học viện Trần Văn Hà
Học viện Tòa án được thành lập năm 2015, trên cơ sở nâng cấp Trường Cán bộ Tòa án, có trụ sở tại xã ngoại thành Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội. Từ khi được thành lập, Học viện Tòa án đã kế thừa nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ các chức danh tòa án gồm Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký tòa án, bồi dưỡng các chức danh lãnh đạo, quản lý, hội thẩm nhân dân và các ngạch công chức Tòa án khác. Năm 2016, Học viện mở khóa đào tạo đại học chuyên ngành luật đầu tiên; song song với thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Tòa án. Đây là bước chuyển mình, nâng cao vị thế của Học viện để trở thành cơ sở đào tạo các chức danh tư pháp, đào tạo đại học ngành luật có uy tín phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn hội nhập và phát triển.
Nhận thêm nhiệm vụ mới, mỗi cán bộ, công chức, viên chức Học viện Tòa án phải gánh thêm trọng trách không hề nhỏ, nhất là trong khi biên chế được giao làm việc tại Học viện còn thiếu, chỉ bằng 1/3 so với yêu cầu công việc thực tiễn. Với tập thể Học viện đây đồng thời là niềm vinh dự lớn lao bởi nhận được sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước cũng như lãnh đạo ngành Tòa án trong công tác đào tạo những “Người bảo vệ công lý” chất lượng cao của đất nước. Do đó, thời gian qua, tập thể Học viện Tòa án không ngừng thi đua khắc phục khó khăn, quyết tâm, đoàn kết hoàn thành mục tiêu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần hiện thực hóa công cuộc xây dựng đội ngũ cán bộ tòa án “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”.
Một phiên toà xét xử lưu động được tổ chức trang nghiêm tại Học viện Tòa án
Do đặc thù trụ sở ở rất xa trung tâm, các cán bộ Học viện gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, nhưng các cán bộ Học viện vẫn luôn khắc phục khó khăn, chủ động thời gian đến làm đúng giờ. Dù mức lương thấp, hầu như không có thưởng, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vẫn luôn chủ động tìm tòi và tự củng cố, cập nhật kỹ năng nghề nghiệp trên cơ sở định hướng của Ban giám đốc. Với suy nghĩ làm hết việc chứ không phải làm hết giờ, mỗi cán bộ Học viện đều nỗ lực hết mình, thường xuyên làm thêm giờ không lương hoặc tranh thủ giải quyết công việc vào buổi trưa, thậm chí là tranh thủ trao đổi công việc ngay trên những chuyến xe đưa đón của Học viện. Họ luôn tràn đầy năng lượng, mong được đến cơ quan coi đây là ngôi nhà thứ hai để đóng góp, sẻ chia, xây dựng một Học viện xứng tầm trong tương lai.
Với kỳ vọng xây dựng Học viện Tòa án trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng chất lượng cao, có vị thế vững chắc trong hệ thống giáo dục quốc dân, tất cả học viên, sinh viên do Học viện đào tạo thực sự là nguồn lực chất lượng cao cho Hệ thống Tòa án nói riêng và cho xã hội nói chung, Học viện xác định hướng đi cho mình là đào tạo lý thuyết gắn liền với thực tiễn pháp luật và chú trọng công tác đào tạo, đánh giá theo chuẩn đầu ra.
Đối với các chương trình đào tạo nghề, Học viện luôn chú trọng đổi mới chương trình đào tạo, đảm bảo chương trình đào tạo gắn liền với thực tiễn nghề nghiệp, dành phần lớn thời lượng chương trình cho hoạt động thực hành kỹ năng, diễn án, đi thực tế phiên tòa. Đồng thời, Học viện không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới công tác khảo thí (xây dựng ngân hàng đề thi, tổ chức thi nghiêm túc, tổ chức chấm thi tập trung) để đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo.
Đối với chương trình đào tạo đại học ngành luật, Học viện xây dựng chương trình gồm hai phần, phần thứ nhất là kiến thức lý luận chung của ngành Luật như các cơ sở đào tạo luật khác, phần thứ hai là kiến thức chuyên ngành Tòa án, để sinh viên sau khi tốt nghiệp có được những kiến thức cơ bản về nghề nghiệp mình sẽ được làm trong tương lai. Ngoài ra, Học viện đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng chuẩn đầu ra và tập trung củng cố và tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng để thực hiện đúng cam kết theo chuẩn đầu ra. Cụ thể là đảm bảo các chuẩn về: chương trình đào tạo, thư viện giáo trình, cơ sở vật chất thiết bị, thí nghiệm, thực hành, thực tập, đội ngũ giảng viên, phương pháp giảng dạy, thi kiểm tra, đánh giá, phối hợp với các Tòa án tổ chức thực hành ngoại khóa cho sinh viên.
Ở Học viện, học viên, sinh viên là đối tượng được ưu tiên, tạo điều kiện phát huy tối đa năng lực phát triển toàn diện, được đào tạo theo mô hình tập trung. Tất cả mọi hoạt động ăn, ở, học tập nằm trọn trong khuôn viên của nhà trường, được quản lý chặt chẽ và an toàn. Ký túc xá (được ở miễn phí), nhà ăn cho học viên, sinh viên được xây dựng khang trang, đầy đủ tiện nghi và đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Vì vậy, các phong trào văn hóa, thể thao phát triển mạnh mẽ, cả trong đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và học viên, sinh viên. Đó là nguồn nuôi dưỡng tinh thần, góp phần làm giảm áp lực và tạo động lực trong công việc. Mô hình câu lạc bộ pháp luật, câu lạc bộ tiếng Anh thu hút toàn thể học viên, sinh viên tham gia; được coi như biện pháp tổ chức vui chơi, giải trí lành mạnh, góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa các thành viên của nhà trường trong mọi hoạt động.
Bên cạnh đó, bản thân nhà trường, nhất là đội ngũ lãnh đạo nhà trường không ngừng tự rèn luyện, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, đặc biệt luôn chủ động học hỏi kinh nghiệm quản lý giáo dục đào tạo, tìm kiếm những mô hình hay ở các đơn vị; từ đó áp dụng một cách sáng tạo ở đơn vị mình.
Phó Giám đốc phụ trách Trần Văn Hà chia sẻ: Theo chương trình đào tạo của Học viện, 3/4 năm đầu tiên của khóa học, sinh viên được đào tạo chuẩn kiến thức chung về luật; năm thứ 4 trường sẽ tổ chức đào tạo chuyên ngành Tòa án – đây được coi như “đặc sản” trong chương trình giáo dục của Học viện. Như vậy, sinh viên Tòa án vừa đảm bảo kiến thức như các trường chuyên đào tạo ngành Luật, đồng thời được trang bị thêm nhiều kỹ năng về khoa học xét xử, chuyên ngành Tòa án… mà không trường đào tạo nào có được.
Để thực sự trở thành “món đặc sản” của riêng Học viện Tòa án, lãnh đạo Học viện xác định đào tạo phải gắn liền với thực tiễn, thực tiễn sẽ đánh giá, kiểm chứng được quá trình nhận thức của học viên và sinh viên. Ngay từ những tháng đầu năm 2017, Học viện đã chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân TP Hà Nội tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động tại Học viện, với tần số từ 1-2 phiên/tháng. “Trăm nghe không bằng một thấy”, qua phiên toà xét xử công khai tại Học viện đã tạo điều kiện cho học viên, sinh viên được tiếp cận và hiểu rõ các hoạt động xét xử thực tế, vừa học trên sách vở, vừa kiểm chứng trong thực tiễn. Đồng thời, mỗi phiên tòa là hình thức phổ biến và giáo dục pháp luật, tư tưởng, đạo đức cho học viên, sinh viên hiệu quả nhất.
Học viên Vũ Văn Cường, lớp K khóa 3 Đào tạo nghiệp vụ xét xử chia sẻ: mỗi phiên xét xử là cơ hội để tôi được trau dồi, trải nghiệm kiến thức thực tế trong quá trình học tập, đào tạo nghiệp vụ tại Học viện. Qua đó, nâng cao bản lĩnh, học hỏi kinh nghiệm xét xử cho bản thân. Đó là bài học quý, hành trang vững chắc nhất giúp học viên và sinh viên của trường tự tin sau khi tốt nghiệp.
Năm 2017, bên cạnh kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, Học viện đang tiếp tục nỗ lực hoàn thiện chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng hiện đại. Trong đó chú trọng gắn kết học tập kiến thức cơ bản với đi sâu đào tạo kỹ năng ứng dụng, thực hành; phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của học viên, sinh viên trong học tập và nghiên cứu khoa học. Với hướng đi khoa học đó, tin rằng Học viện Tòa án sẽ khắc phục được mọi khó khăn, phát triển, là môi trường giáo dục lý tưởng để làm việc và học tập.
Thục Anh