Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Thân thế, sự nghiệp và tầm ảnh hưởng
02/08/2022 - 19:57

TĐKT - Ngày 2/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo "Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Thân thế, sự nghiệp và tầm ảnh hưởng", với sự tham gia của 500 đại biểu.

Hội thảo được thực hiện trên cơ sở đề nghị phối hợp của UBND tỉnh Hà Tĩnh và UBND tỉnh Hưng Yên nhằm triển khai các hoạt động chuẩn bị hồ sơ đề nghị Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - ông tổ của ngành Y học cổ truyền Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo nhằm công bố rộng rãi các nghiên cứu, phát hiện mới, các vấn đề liên quan đến thân thế, sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác: Đính chính và khẳng định lại năm sinh - năm mất, cuộc đời, sự nghiệp, các mối quan hệ xã hội - lịch sử... của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; xác định tầm ảnh hưởng của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền y học, văn hóa, văn học, giáo dục, lịch sử trong nước, khu vực cũng như trên thế giới. Đồng thời, quảng bá rộng rãi về thân thế, sự nghiệp, những đóng góp, cống hiến, giá trị tư tưởng, di sản do Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác để lại.

PGS. TS Nguyễn Thế Thịnh tham luận về “Ảnh hưởng của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với nền y học cổ truyền Việt Nam”

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Hải Thượng Lãn Ông là hiện thân của một nhân cách lớn về tấm lòng cương trực, chí khí thanh cao, không màng công danh, phú quý, không nịnh hót kẻ giàu sang, “nghề thuốc là thanh cao nên phải giữ phẩm chất cho trong sạch”. Ông là người biết tự trọng, khiêm tốn học hỏi, không tự cao tự đại, luôn tôn trọng, giúp đỡ đồng nghiệp. Ông là một tấm gương mẫu mực cho thuật xử thế: “Khi gặp người cùng nghề cần khiêm tốn, hòa nhã, cẩn thận, chớ nên coi rẻ, khinh thường, đối với người cao tuổi thì nên cung kính; đối với người có học thì nên tôn thờ như bậc thầy; đối với người cao ngạo thì nên nhún nhường; đối với người non nớt thì nên dìu dắt; giữ lòng như vậy là điều phúc lớn”.

Ngoài việc đề cao y đức, Hải Thượng Lãn Ông còn là người đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam đặt nền móng xây dựng y thuật. Về y thuật, Hải Thượng Lãn Ông cho rằng muốn làm thầy thuốc giỏi phải học tập không ngừng. Ông tiếp thu kinh nghiệm của người xưa một cách có chọn lọc, linh hoạt, sáng tạo, không hề rập khuôn, máy móc. Từ đó, ông có quan điểm về nhận định bệnh tật và phương pháp điều trị sáng tạo phù hợp con người Việt Nam.

Trong suốt cuộc đời làm thuốc của mình, ông đúc kết tinh hoa của Y học nhân loại và y dược cổ truyền Việt Nam, ông đã để lại cho đời sau một bộ sách đồ sộ quý giá là bộ “Hải Thượng Lãn Ông Y Tông Tâm Lĩnh” và nhiều tác phẩm khác liên quan đến y học, văn học… Di sản của người để lại vẫn còn nguyên giá trị và được các thế hệ ngành y tế Việt Nam đã kế thừa và sử dụng nhằm góp phần vào công cuộc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Quang cảnh Hội thảo

Cuộc đời của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc với kiến thức uyên thâm, với tinh thần trách nhiệm cao cả trong nghề nghiệp, lòng nhẫn nại, tận tâm, đức hy sinh và lòng thương yêu người bệnh vô bờ bến. Ông thật xứng đáng là người đã dựng “ngọn cờ đỏ thắm” trong nền y học nước nhà, là tấm gương sáng chói về y đức, y đạo, y thuật cho đời sau noi theo.

Thực hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam, nhằm tri ân những, công lao, đóng góp, cống hiến của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền y học, văn học, văn hóa của dân tộc Việt Nam, Bộ Y tế và UBND tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Danh nhân văn hóa thế giới vào năm 2024. Đây là hành động mang ý nghĩa thiết thực và có tầm ảnh hưởng to lớn với nền y học cổ truyển nói riêng và nền y học nước nhà nói chung. Đó còn là nguồn động viên sâu sắc với toàn thể các cán bộ y tế đã và đang không ngừng đem sức lực và trí tuệ phục vụ công cuộc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tại Hội thảo, 10 bài báo cáo được chọn lọc trình bày từ hơn 40 tham luận của hơn 40 tác giả với đa dạng các chủ đề như: “Lê Hữu Trác và Hải Thượng y tông tâm lĩnh từ điểm nhìn thế kỷ XXI” – PGS, TS Biện Minh Điền; "Y đức của Hải Thượng Lãn Ông, những giá trị trường tồn” - Thiếu tướng, PGS. TS Phạm Xuân Phong; “Kiểu tác giả văn sĩ - nho sĩ - thầy thuốc Lê Hữu Trác trong “Thượng kinh ký sự” – PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn; “Ảnh hưởng của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với nền y học cổ truyền Việt Nam” - PGS, TS Nguyễn Thế Thịnh…

Trong khuôn khổ Hội thảo, những ý kiến đóng góp thiết thực của các đại biểu tham dự đã được ghi nhận nhằm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ khoa học trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đề nghị vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và tham gia lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông.

Sau Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ phát động cuộc thi viết về tấm gương y đức của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong toàn ngành Y tế (dự kiến bắt đầu từ tháng 10/2022 đến tháng 8/2024).

Hồng Thiết