Hà Nội triển khai Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề
21/09/2017 - 10:03

TĐKT - Chiều 19/9, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thông tin về kế hoạch triển khai Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với 1.350 làng nghề, được phân theo 8 loại hình sản xuất: chế biến lương thực, thực phẩm; thủ công mỹ nghệ; nhuộm, thuộc da; tái chế chất thải; gia công cơ, kim khí; sản xuất vật liệu xây dựng; chăn nuôi, giết mổ gia súc...

Đa số các làng nghề ít đầu tư cho xây dựng các hệ thống thu gom, xử lý môi trường. Hoạt động sản xuất làng nghề phát sinh ô nhiễm cao, tuy nhiên tại những khu vực làng nghề hầu như không có công trình xử lý chất thải phù hợp. Đối với nước thải khoảng 35,6% hộ gia đình không xử lý, 60% còn lại chỉ có hệ thống xử lý thô sơ.

Một số công trình nghiên cứu thử nghiệm xử lý nước thải đã được triển khai nhưng hiệu quả còn thấp và kém ổn định, các công trình xử lý nước thải tập trung của làng nghề hầu hết chưa được đầu tư, một vài điểm đang đầu tư nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống.

 

Ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thông tin đến báo chí

Ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: ngày 11/9/2017, Sở đã có văn bản về việc thực hiện Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đề án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ 2017 - 2020 và giai đoạn 2 từ  2020 - 2030.

Đề án đưa ra giải pháp về cơ chế chính sách, tập trung xây dựng, bổ sung sửa đổi và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách về quản lý và phát triển làng nghề và bảo vệ môi trường làng nghề. Tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường. Tạo cơ chế khuyến khích cộng đồng làng nghề tham gia phòng ngừa, ngăn ngừa, xử lý và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường.

 Đồng thời, quản lý công nghệ sản xuất để hạn chế việc đưa công nghệ cũ, lạc hậu vào làng nghề và khu vực dân cư gây ô nhiễm. Điều tra, phát hiện xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường tại làng nghề. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, phù hợp cho các hộ, cơ sở sản xuất quy mô nhỏ. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tìm kiếm nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật trong đổi mới công nghệ…

Về giải pháp quy hoạch sản xuất, di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất, tùy tình hình thực tế của địa phương, TP Hà Nội sẽ thực hiện quy hoạch theo cụm công nghiệp hoặc quy hoạch phân tán (quy hoạch sản xuất ngay tại hộ gia đình).

 Theo ông Lê Tuấn Định, trước mắt, tập trung vào nhóm loại hình tái chế giấy, tái chế nhựa, cơ, kim khí, nhuộm, giết mổ và làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất với lộ trình phù hợp. Các làng nghề và cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu vực dân cư nông thôn cần di dời vào khu, cụm công nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi về miễn giảm tiền thuế đất  và phải tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường đối với khu, cụm công nghiệp tập trung.

Hưng Vũ