TĐKT - Sáng 26/12, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ - CP về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2008 - 2016; triển khai kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước, trong và sau Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 trên địa bàn thành phố. Tới dự có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Sau 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 16 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội, công trình hạ tầng giao thông của Thủ đô (các tuyến cao tốc, đường vành đai, trục chính xuyên tâm, cầu vượt tại các nút giao, cầu vượt sông, các tuyến đường giao thông kết nối trong nội đô, các tuyến đường giao thông khu vực ngoại thành...) đã được đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng một cách hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, qua đó hình thành bộ mặt thành phố khang trang, hiện đại.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Kết quả, số điểm ùn tắc giao thông của thành phố từ 124 điểm năm 2010 giảm xuống còn 41 điểm năm 2016. Tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông được kiềm chế tích cực, giảm về 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong năm 2016, toàn thành phố xảy ra 1.552 vụ tai nạn giao thông, làm 594 người chết, 1.306 người bị thương (so với cùng kỳ năm 2015: giảm 144 vụ, 8,5%; giảm 8 người chết, 1,3%; giảm 125 người bị thương, 8,7%). Việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng cho Thủ đô và cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao những kết quả chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết số 16 của Chính phủ những năm qua. Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu, thời gian tới, Hà Nội cần quan tâm hơn nữa đến quy hoạch hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh xã hội hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành giao thông, phát triển giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố phía Bắc tạo hành lang an toàn giao thông thông suốt theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giao thông; gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành địa phương nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đảm bảo an toàn giao thông. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền văn hóa giao thông, văn minh đô thị, tạo thói quen tận dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn giao thông.
Mai Thảo