Đồng Nai thi đua thực hiện tốt công tác "Đền ơn, đáp nghĩa"
27/07/2018 - 16:08

TĐKT - Tại Đồng Nai, nơi có tới hơn 57.300 đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, dịp kỷ niệm Ngày thương binh - liệt sĩ càng trở nên có ý nghĩa hơn khi phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” được coi là trách nhiệm không của riêng ai. Các cấp, ngành và địa phương, doanh nghiệp, tổ chức của tỉnh Đồng Nai đã có nhiều hoạt động thiết thực tri ân những gia đình chính sách, thân nhân liệt sĩ…

Chủ tịch UBND Thị xã Long Khánh, Hồ Văn Nam tặng quà gia đình chính sách

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai luôn coi công tác đền ơn, đáp nghĩa là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Trong những năm qua, để chăm lo tốt cho người có công, tỉnh Đồng Nai không chỉ dành nguồn kinh phí đáng kể (270 tỷ đồng mỗi năm) mà còn tích cực vận động các tổ chức, đoàn thể, nhân dân cùng chung tay, góp sức vào hoạt động tri ân những người đã hy sinh xương máu và tính mạng để đất nước có được ngày hôm nay.

Để làm được điều này, lãnh đạo Đồng Nai đã quyết tâm, đồng lòng nhất trí từ hành động cho tới việc làm nhằm tạo sự ủng hộ của đông đảo tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Để kiện toàn bộ máy, biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về ưu đãi người có công, tại 11/11 huyện đều có phòng Lao động - Thương binh và Xã hội với một lãnh đạo và một chuyên viên chuyên trách. Cấp xã, phường, thị trấn bố trí một cán bộ phụ trách các vấn đề liên quan tới người có công. Các cán bộ đảm trách nhiệm vụ này đều là những người có tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ với công việc.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách được tỉnh đặc biệt quan tâm. Lớp tập huấn được tổ chức thường xuyên mỗi năm với các nội dung mới trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công. Có như vậy mới đảm bảo tính thông suốt, thống nhất trong việc thực hiện nhằm mang lại sự nhanh gọn và đơn giản khi giải quyết các sự vụ liên quan.

Bên cạnh đó là việc tích cực tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách ưu đãi người có công dưới nhiều hình thức như thông qua các tổ chức đoàn thể, các phương tiện truyền thông để mọi người cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác kết hợp đẩy mạnh giáo dục về truyền thống cách mạng, chủ động thu hút sự quan tâm của mọi đối tượng trong xã hội về một lĩnh vực vừa nhân văn, vừa có khả năng gắn kết mọi người trên tinh thần đồng cảm và chia sẻ.

Ông Vũ Văn Trường, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc (thứ 3 từ phải sang) trao tặng 125 suất quà cho các gia đình chính sách tại phường Bửu Long, phường Tân Phong, phường Quang Vinh, TP Biên Hoà ngày 26/7/2018

Sự quyết liệt của tỉnh đã thúc đẩy các cấp năng động và linh hoạt trong triển khai nhiệm vụ. Song song với những hoạt động có tính chất phổ biến: Tổ chức tri ân vào các ngày lễ tết thông qua các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, khám, chữa bệnh cho người có công; tôn vinh những tấm gương hy sinh - chiến đấu anh dũng; tu bổ, tôn tạo các công trình ghi công... nhiều huyện, xã ở Đồng Nai vừa thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước, vừa sáng tạo ra nhiều cách làm mới nhằm thu hút hơn nữa sự tham gia của cộng đồng.

Đó là tổ chức thi đua xây dựng "xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng..."; giải quyết các chính sách đảm bảo mức sống cho người có công bằng hoặc cao hơn mức sống cộng đồng dân cư; tổ chức dâng hương, thắp nến tại các công trình ghi công vào tối 26/7 hàng năm...

 Kinh phí do các cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ được chuyển thẳng vào kho bạc; chi thu công khai, minh bạch, do đó luôn nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân và chăm lo tốt đời sống của người có công.

Khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho gia đình chính sách TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

Tận tâm và nỗ lực trong việc thực hiện các chính sách ưu đãi cho người có công, Đồng Nai đã đạt được nhiều thành tích đáng kể.

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có gần 11.700 liệt sĩ, hơn 7.700 người thờ cúng liệt sĩ, 2.460 thân nhân liệt sĩ hưởng trợ cấp hàng tháng, gần 5.400 thương binh, gần 1.600 bệnh binh, 4 cán bộ lão thành cách mạng, 9 cán bộ tiền khởi nghĩa, 9 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hơn 1.100 Mẹ Việt Nam anh hùng (còn sống 69 mẹ)… Ngoài ra, tỉnh đang thực hiện quản lý, chăm sóc 7 nghĩa trang liệt sĩ, 13 đền thờ, 6 đài tưởng niệm và 42 nhà bia ghi tên liệt sĩ ở xã, phường.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và huyện kiểm tra di vật còn lại của liệt hy sinh trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc tại ấp 2, xã Phú An, Tân Phú đầu tháng 7/2018

Thời gian qua, Đồng Nai đã giải quyết kịp thời, đảm bảo chăm lo tốt mọi mặt cho người có công trên địa bàn: Chi trả trợ cấp ưu đãi cho trên 116.000 lượt đối tượng chính sách người có công với tổng kinh phí 1.204 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa 1.868 căn nhà cho người có công, trong đó có 443 căn nhà được xây mới với kinh phí thực hiện hơn 48 tỷ đồng.

Các Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, đều được các đơn vị, doanh nghiệp nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời với mức bình quân hàng tháng trên 1 triệu đồng/mẹ. Các mẹ đều có nhà ở, cuộc sống ổn định.

Hằng năm, tỉnh thực hiện cấp, tái cấp hơn 26.200 thẻ bảo hiểm y tế cho người có công với cách mạng, thân nhân của họ và các đối tượng được hưởng chế độ. Hàng năm tổ chức cho 2 đoàn đại biểu người có công tiêu biểu (100 người) thăm Thủ đô Hà Nội, viếng Lăng Bác, đi an dưỡng tại TP Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu…

Cung cấp dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng cho 539 thương binh và 2 bệnh binh với kinh phí 1 tỷ 195 triệu đồng; cấp xe lăn, xe lắc hoặc thiết bị thay thế cho 138 người với kinh phí 419,550 triệu đồng; điều dưỡng và phục hồi sức khoẻ cho 28.000 người; tu sửa, cải tạo công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí hơn 14 tỷ đồng.

Đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Mận

Bên cạnh đó, Đồng Nai là địa phương thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Năm 2014 tỉnh đã tiến hành khai quật, quy tập 102 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh chốt Vườn Điều (xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) và khai quật, an táng 36 liệt sĩ thuộc Trung đoàn 95 và Trung đoàn 5, Sư đoàn 5 hy sinh trong trận đánh đồn Hoàng Diệu (xã Bảo Vinh, thị xã Long Khánh).

Năm 2017, tỉnh tiếp tục tìm kiếm, khai quật và làm lễ an táng các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh vào sân bay Biên Hòa đêm 31/1/1968. Mới đây, lực lượng chức năng của tỉnh đã tiến hành khai quật, cất bốc được 9 hài cốt liệt sĩ tại xã Phú An, huyện Tân Phú…

Có thể nói, tại Đồng Nai, công tác đền ơn, đáp nghĩa đang được triển khai rộng khắp và rất hiệu quả, thiết thực, với sự tích cực tham gia của cộng đồng. Với những thành tích đã đạt được, mong rằng tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, để công tác Đền ơn, đáp nghĩa luôn là một trong những niềm tự hào của địa phương trong quá trình phát triển kinh tế.

Hồng Thiết