Để Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 sớm đi vào cuộc sống
07/02/2023 - 16:31

(BTĐKT) - Ngày 6/2, Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã được tổ chức tại trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Các đồng chí: Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng nhóm 2 Ban Soạn thảo dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng (Ban Soạn thảo); Phan Văn Hùng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, thường trực nhóm 2 Ban Soạn thảo, chủ trì Hội thảo.

Cùng dự Hội thảo có các đồng chí thành viên nhóm 2 Ban Soạn thảo, thành viên Tổ Biên tập, các đồng chí giúp việc Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập…

Đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng nhóm 2 Ban Soạn thảo phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng nhóm 2 Ban Soạn thảo cho biết: Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005 và 2013, là văn bản pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Luật đã được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả, công tác thi đua và khen thưởng ngày càng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và trong đời sống xã hội.

Các phong trào thi đua yêu nước đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, thiết thực và hiệu quả hơn. Công tác phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến được quan tâm và có chuyển biến rõ nét. Công tác khen thưởng đã có tác dụng động viên tích cực, cổ vũ các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua. Công tác phát hiện và đề nghị khen thưởng thành tích đột xuất, khen thưởng cho người lao động, các tập thể ở vùng sâu, vùng xa được quan tâm.

Tuy nhiên, sau 20 năm thực hiện, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình thi hành. Do vậy, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 được Quốc hội khóa 15 thông qua ngày 16/5/2022 có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng

Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã có nhiều thay đổi, bổ sung mới có tính căn bản, quan trọng, đã kế thừa được những ưu điểm của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản; bao quát các lĩnh vực, nhiều nội dung có tính mới, đột phá, thể chế hóa đúng chỉ đạo của Đảng về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và thích ứng với sự phát triển trong thời đại công nghệ số. Luật lần này giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc về thẩm quyền, đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục khen thưởng, tăng cường phân cấp cho các bộ, ngành, tỉnh để quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn; có nhiều thay đổi về điều kiện, tiêu chuẩn để khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp; bổ sung tiêu chuẩn, hình thức khen thưởng đảm bảo chính xác, không trùng lặp...

“Để Luật thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong các phong trào thi đua yêu nước, thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân cùng thi đua xây dựng đất nước hùng cường, có nhiều nội dung trong Luật cần được cụ thể hóa để triển khai có hiệu quả, khả thi và thuận lợi trong thực tiễn.” - Đồng chí Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Thực hiện sự phân công của Bộ Nội vụ, Tổ Biên tập nhóm 2 Ban Soạn thảo đã nghiên cứu, xây dựng nội dung về: Đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng và dự thảo chi tiết quy định hướng dẫn các Khoản, Điều sau của Luật: Khoản 7 Điều 34; Khoản 6 Điều 35; Khoản 5 Điều 36; Khoản 5 Điều 37; Khoản 5 Điều 38; Khoản 7 Điều 42; Khoản 7 Điều 43; Khoản 7 Điều 44; Khoản 2 Điều 51; Khoản 2 Điều 53.

Nội dung chính liên quan đến việc cụ thể hóa đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng đối với cá nhân: Có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; có quá trình cống hiến lâu dài trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tổ Biên tập đã tổng hợp chung nội dung này vào dự thảo Nghị định.

Nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn đã được đưa ra tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến góp ý vào Điều 6, 7, 8, 9, 10, 14, 15, 16, 20, 21 trong dự thảo Nghị định. Nội dung góp ý xoay quanh các vấn đề về hồ sơ, thủ tục khen thưởng, điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng và tuyến trình khen thưởng.

Đồng chí Phan Văn Hùng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phan Văn Hùng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương nhấn mạnh Hội thảo là một hoạt động đầu xuân ý nghĩa, bắt tay ngay vào công tác xây dựng thể chế về thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, một trong những nội dung vô cùng quan trọng.

Đồng chí khẳng định, Tổ Biên tập sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trưởng nhóm 2 Ban Soạn thảo và ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia tại Hội thảo để tổng hợp, xây dựng báo cáo trình lãnh đạo nghiên cứu, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định, đảm bảo vượt chỉ tiêu về thời gian, đi đôi với chất lượng, góp phần cải cách, thể chế hóa các quy định của Luật Thi đua, khen thưởng vào cuộc sống.

Kết luận Hội thảo, đồng chí Trần Thanh Hải ghi nhận các thành viên trong Tổ Biên tập đã chủ động, tích cực chuẩn bị, biên soạn dự thảo Nghị định. Đồng chí đề nghị các thành viên nhóm 2 Ban Soạn thảo, các thành viên Tổ Biên tập nghiên cứu kỹ các ý kiến góp ý của các bộ, ban, ngành, địa phương để hoàn thiện dự thảo Nghị định, đảm bảo chất lượng tốt nhất trong lĩnh vực được phân công.  

Phương Thanh