Đào tạo trực tuyến trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0
27/12/2017 - 12:04

TĐKT - Ngày 26/12, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức Hội thảo cấp quốc gia với chủ đề “Đào tạo trực tuyến trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”. Đến dự có 229 đại biểu và khách mời.

PGS.TS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Mỗi một thời đại phát triển công nghệ tập trung hay còn gọi là cách mạng công nghiệp kéo theo một bước phát triển nhảy vọt của nhân loại. Chúng ta đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp trong hơn 300 năm qua và đang đứng trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng 4.0 – cuộc cách mạng đã, đang và sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống, trong đó có giáo dục. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà điển hình là sự bùng nổ ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin đang thay đổi diện mạo của nền giáo dục không chỉ ở các quốc gia phát triển mà còn ở các nước đang phát triển như Việt Nam.

Ban tổ chức mong muốn nhận được những ý kiến trao đổi sâu hơn của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia để làm rõ 2 nội dung chính: Thứ nhất, làm rõ xu hướng và những yêu cầu ứng dụng E-learning trong giáo dục đại học thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Hai là, khẳng định những ưu điểm và lợi thế cũng như làm rõ những vấn đề cần lưu ý, những thách thức cần vượt qua khi ứng dụng E-learning trong giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng và uy tín của các trường Đại học.

PGS.TS Trần Thị Vân Hoa mong muốn kết quả của Hội thảo sẽ được tập hợp thành báo cáo các kiến nghị gửi tới các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ quan trung ương nhằm góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới toàn diện nền giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục đại học nói riêng.

https://www.neu.edu.vn/Resources/Images/SubDomain/HomePage/H%E1%BB%99i%20th%E1%BA%A3o%20CMCN%204.0/DSC_5404%20(Copy).JPG

PGS.TS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu khai mạc và đề dẫn tại Hội thảo

Hội thảo là diễn đàn quan trọng để các nhà quản lý, các cán bộ giảng dạy, người học và cộng đồng xã hội trao đổi về những ứng dụng công nghệ mới và đào tạo đại học, qua đó góp phần thay đổi cái nhìn của xã hội về mô hình ứng dụng công nghệ số trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban tổ chức đã lựa chọn được 56 bài viết có chất lượng để đăng trong kỷ yếu Hội thảo. Các bài viết tập trung làm rõ những vấn đề chủ yếu: Một là, làm rõ các xu hướng phát triển của đào tạo trực tuyến trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như bàn luận về tính tất yếu, vai trò, lợi ích mà đào tạo trực tuyến mang lại cho giáo dục đại học, đáp ứng việc cung cấp nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng làm việc trong môi trường toàn cầu hóa.

Hai là, giới thiệu và phân tích những mô hình và phương pháp đào tạo trực tuyến đang phát triển trên thế giới. Qua đó nêu lên những lợi ích cơ bản đối với giảng viên và sinh viên nhờ vào việc ứng dụng công nghệ thông tin như tiết kiệm chi phí, phá bỏ rào cản không gian, thời gian giữa người dạy và người học, hay mở rộng khả năng tiếp cận với kho tàng kiến thức khổng lồ và miễn phí, khả năng kết nối rộng và cá nhân hóa việc học tập.

Ba là, phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học đào tạo trực tuyến như chia sẻ những kinh nghiệm, áp dụng đào tạo trực tuyến ở một số quốc gia trên thế giới và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

 Các bài tham luận trong Hội thảo phong phú, đa dạng với các góc tiếp cận đa chiều trong việc ứng dụng khoa học công nghệ thông tin vào giáo dục đại học, đặc biệt là sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hồng Thiết