Đào tạo nghề chế biến rang, xay và pha chế cà phê sạch cho sinh viên
08/11/2017 - 15:20

TĐKT – Sáng 8/11, tại Hà Nội, Trường Cao đẳng Công thương và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Văn hóa Đồng Tâm đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nghề chế biến rang, xay và pha chế cà phê sạch.

Ông Trần Việt Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Văn hóa Đồng Tâm giới thiệu về chương trình đào tạo

Theo đó, từ năm học 2018 – 2019, Trường Cao đẳng Công thương sẽ triển khai chương trình đào tạo nghề chế biến rang, xay và pha chế cà phê sạch cho sinh viên ngành du lịch và ngành quản trị khách sạn. Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Văn hóa Đồng Tâm sẽ cử chuyên gia sang phối hợp với nhà trường để đào tạo cho sinh viên.

Khóa đào tạo sẽ gói gọn trong 8 buổi với các nội dung lý thuyết và thực hành. Ở phần lý thuyết, học viên sẽ được học tổng quan về cà phê, lịch sử ra đời cà phê trên thế giới và vị thế của cà phê Việt Nam, hiểu biết về cà phê tại Việt Nam, chuẩn chất lượng cà phê; công nghệ chế biến sau thu hoạch; cách phân biệt, lựa chọn hạt cà phê…

Ở phần thực hành, học viên sẽ được học các phương pháp chế biến, rang, xay cà phê; phương pháp ủ cà phê; phương pháp phối trộn để phát huy tối đa hương vị của cà phê; phương pháp để tạo một ly cà phê ngon; phương pháp bảo quản, đóng gói cà phê. Phía doanh nghiệp sẽ trang bị thiết bị, máy móc hỗ trợ cho học viên thực hành.

Đại diện Trường Cao đẳng Công thương và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Văn hóa Đồng Tâm ký kết thỏa thuận hợp tác

Ông Lê Hữu Dũng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công thương cho biết: trường sẽ sớm xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai chương trình đào tạo nghề. Hi vọng sau này có thể đưa nội dung này thành một học phần trong chương trình đào tạo chính quy của nhà trường.

Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Trần Việt Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Văn hóa Đồng Tâm nhận định: hiện nay, Việt Nam là nước đứng trong tốp đầu thế giới về sản lượng cà phê, nhưng chất lượng cà phê Việt Nam chỉ đứng thứ 6. Vì chạy theo lợi nhuận, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại “cà phê bẩn” lẫn tạp chất, gây tổn hại đến sức khỏe của con người. Việc chế biến ra một sản phẩm “sạch” là khẳng định tính chuyên nghiệp, đạo đức và trách nhiệm của nhà sản xuất. Chúng tôi mong muốn thông qua khóa đào tạo, có thể giúp cho học viên nắm vững kiến thức, hiểu biết về cách phân loại cà phê, công nghệ chế biến, rang xay, pha chế cà phê sạch, công nghệ, bí quyết bảo quản cà phê của phương Đông và của Việt Nam. Từ đó, học viên có đủ tự tin và nắm vững ngành nghề để có thể sản xuất, chế biến  cà phê sạch, góp phần tôn vinh giá trị của hạt cà phê Việt Nam.

Phương Thanh