Đảng ủy Bộ Nội vụ dâng hương viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc
16/07/2022 - 21:14
Ngày 15/7, Đoàn công tác của Đảng ủy Bộ Nội vụ do đồng chí Nguyễn Tiến Đạo, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ làm Trưởng đoàn đã đến dâng hương tưởng niệm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc.

Tham gia Đoàn công tác có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ; đại diện cấp ủy các Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc Đảng ủy Bộ; đại diện Ban Thường vụ Công đoàn Bộ, Đoàn Thanh niên Bộ và Hội Cựu chiến binh Bộ.

 

 
Đoàn công tác dâng hoa, dâng hương viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trong không khí trang nghiêm, Đoàn công tác đã kính cẩn đặt vòng hoa, dâng hương, dành phút mặc niệm để tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên - Người đã có những đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Dân tộc Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tên khai sinh Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25/8/1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước. 

Ngược dòng lịch sử cách đây 77 năm, cuộc Tổng khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh trên khắp cả nước đã thu được thắng lợi hoàn toàn, giành chính quyền về tay Nhân dân. Ngày 28/8/1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với cơ cấu gồm 13 Bộ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Bí thư Đảng đoàn Chính phủ, đặc trách quân sự, trực tiếp lãnh đạo Bộ Nội vụ và công việc tổ chức chính quyền, an ninh, nội trị trong những ngày tháng đầu tiên khi nước ta mới giành được độc lập. 

 
 
Đoàn công tác thắp nén tâm nhang tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên

Ngay khi nhận trọng trách, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã bắt tay ngay vào thực hiện những nhiệm vụ trọng yếu của quốc gia như tham gia xây dựng các thể chế cho nền hành chính dân chủ và pháp quyền, xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương với mục tiêu cao cả là vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của người dân. Không phụ sự ủy thác, tin cậy và giao phó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ tưởng chừng “bất khả thi” trong những ngày đầu tiên của chính quyền dân chủ nhân dân non trẻ, lại ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Dù chỉ giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong khoảng thời gian hơn 6 tháng (từ ngày 28/8/1945 đến ngày 02/3/1946) nhưng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã có công lao to lớn trong việc tham gia xây dựng thể chế hành chính, tổ chức bộ máy nhà nước dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã tham mưu cho Chính phủ ban hành trên 100 sắc lệnh, trong đó có khoảng 30 sắc lệnh do chính Bộ trưởng ký, có tính chất pháp quy hành chính trên nhiều ngành/ lĩnh vực…

 
Đoàn công tác dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc

Đến Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, Đoàn công tác đã làm lễ dâng hương, dâng hoa, dành phút mặc niệm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, tưởng nhớ công ơn, sự hy sinh to lớn của các Anh hùng liệt sỹ đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 

Trước Anh linh các Anh hùng liệt sỹ, Đoàn công tác nguyện tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất của các thế hệ cha anh đi trước, nêu cao quyết tâm chính trị, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

 
 
 
 
 
Đoàn công tác thắp nén tâm nhang tri ân các Anh hùng liệt sỹ

Ngã ba Đồng Lộc là địa danh đã trở thành huyền thoại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Từ năm 1964 đến năm 1972, tuyến đường quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bị đánh phá và chia cắt hoàn toàn, thời điểm đó mọi thông thương từ miền Bắc vào miền Nam phải đi qua con đường 15A. Trong đó Ngã ba Đồng Lộc là một địa điểm hiểm trở trên con đường này. Nơi đây được ví như là yết hầu, là mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.

Xác định được vị trí chiến lược của Ngã ba Đồng lộc, từ năm 1964 đến năm 1972, Ngã ba Đồng Lộc bị đánh phá liên tục và năm 1968 là năm ác liệt nhất. Để giữ vững mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam được thông suốt, hàng trăm, hàng ngàn các chiến sỹ và Nhân dân đã ngã xuống. Trong đó phải kể đến sự hy sinh anh dũng của Tiểu đội 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55. Trưa ngày 24/7/1968, một ngày như mọi ngày, 10 chị ra đường làm nhiệm vụ. Đến 16 giờ, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả bom đã nổ gần căn hầm chữ A, nơi 10 chị đang tránh bom, làm sập hầm và tất cả 10 chị đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Người trẻ tuổi nhất là 17 tuổi, ba người chị lớn tuổi nhất cùng 24 tuổi.

"Trời trong xanh, tượng đài “Chiến thắng”
hắm sắc màu, dòng nước sông La
Các cô nằm lại trong bình yên đất mẹ
Rặng thông xanh ru giấc ngủ vĩnh hằng."

(Trích bài thơ "Tình yêu của mẹ" của tác giả Hồng Ánh)

Theo moha.gov.vn