Công tác tuyên truyền miệng góp phần đưa chính sách, pháp luật BHXH, BHYT vào cuộc sống
26/12/2022 - 12:55

TĐKT- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Trà Vinh Nguyễn Văn Út cho biết, thời gian qua, thông qua các hình thức tuyên truyền, trong đó có tuyên truyền miệng, đã từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, góp phần đảm bảo cuộc sống của người dân trong tỉnh. Để chính sách BHXH, BHYT lan tỏa mạnh mẽ, chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn tình chiếm dụng, trục lợi BHXH, BHYT.

Hội thảo tại tỉnh Trà Vinh

Nói về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, được biết, qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, BHXH tỉnh Trà Vinh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo các cấp; cấp ủy, chính quyền các địa phương và các ngành liên quan tổ chức 1.243 cuộc đối thoại cho 79.246 người dân, NLĐ về chính sách BHXH, BHYT; 834 cuộc tuyên truyền miệng (tuyên truyền nhóm nhỏ) với 2.761 người dân.

Ngoài ra, các cơ quan báo chí ở địa phương cũng đã thực hiện gần 200 chuyên trang, chuyên mục, phỏng vấn, phóng sự về BHXH, BHYT; đăng tải hơn 1.000 tin, bài với 675.281 lượt người truy cập, theo dõi. Cùng với đó, CCVC trong hệ thống BHXH tỉnh đã chia sẻ 9.283 tin, bài qua tài khoản cá nhân; cung cấp 374.341 sản phẩm truyền thông tới người dân…

Theo đó, tỉnh Trà Vinh có khoảng 32% dân số là đồng bào DTTS. Nắm bắt đặc điểm này, BHXH tỉnh đã phối hợp với các cơ quan truyền thông của địa phương biên dịch, phiên dịch tin, bài, tờ gấp về lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình sang tiếng Khmer cấp cho 144 điểm chùa Khmer trong tỉnh, góp phần giới thiệu, tuyên truyền về các chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính sách BHXH, BHYT đến những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Chính trong những lúc khó khăn, bằng nhiều giải pháp sáng tạo, trong đó có tuyên truyền miệng, chính sách BHXH, BHYT đã đến với người dân một cách hiệu quả nhất. Đến thời điểm này, thành công nhất trong tuyên truyền, đó là sự thay đổi hằng ngày, hằng giờ của cả hệ thống chính trị, cho đến đông đảo NLĐ, người dân về chính sách BHXH, BHYT. Sự thay đổi này rất quan trọng, là yếu tố then chốt tạo ra những thành công trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH nói chung, trong đó nổi bật nhất là chính sách BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Năm 2021, số người tham gia BHXH tự nguyện ở Trà Vinh tăng gần 8,9 lần so với năm 2018; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 97,02% dân số, tăng 1,48% so với năm 2018. Riêng 10 tháng năm 2022, toàn tỉnh có 85.491 người tham gia BHXH, chiếm 16,45% lực lượng lao động, đạt 104,17% chỉ tiêu được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao. Trong số đó có 17.786 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 3,42% lực lượng lao động. Dự kiến đến cuối năm 2022, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 3,5% lực lượng lao động- đạt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 08 của Tỉnh ủy...

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động rất lớn tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, có thể nói đây là những kết quả hết sức quan trọng, thể hiện tính đúng đắn của chính sách, quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW. Đặc biệt, kết quả này đã thể hiện rõ niềm tin của người dân vào chính sách BHXH, BHYT.

Để tiếp tục duy trì những kết quả đạt được, trong thời gian tới, các đơn vị cần mạnh dạn tham mưu cho Ban Tuyên giáo Trung ương, để đưa ra các giải pháp “hữu hiệu” trong công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, đặc biệt là thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện.

PV