TĐKT - Sáng 17/11, tại Hà Nội, Tổ chức Giáo dục Quốc tế EF Education First tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng Năng lực Anh ngữ toàn cầu - EF EPI. EF EPI đem đến cái nhìn bao quát về kết quả của việc tiếp thu tiếng Anh ở người trưởng thành, hỗ trợ các nghiên cứu giúp nâng cao phương pháp giảng dạy tiếng Anh toàn cầu.
Đại diện của EF thuyết trình về Ấn bản thứ 7 Chỉ số Thông thạo Anh ngữ toàn cầu EF EPI
Chỉ số EF EPI năm 2017 xếp hạng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên dữ liệu kiểm tra của hơn 1 triệu người trưởng thành đã làm bài kiểm tra Anh ngữ Tiêu chuẩn EF (EF SET), bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa miễn phí đầu tiên trên toàn thế giới. EF SET cung cấp cho người học ngôn ngữ cơ hội tiếp cận với bài kiểm tra Anh ngữ chất lượng cao, đã được hàng nghìn trường học, công ty và chính phủ trên khắp thế giới sử dụng rộng khắp.
Theo bảng xếp hạng, châu Âu vẫn dẫn đầu thế giới về trình độ tiếng Anh, với 8 nước nằm trong tốp 10. Theo sau là châu Á với chỉ số thông thạo tiếng Anh đứng hàng thứ hai trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, giữa các quốc gia trong châu Á có khoảng cách rất lớn về trình độ tiếng Anh. Năm nay, điểm chỉ số của Việt Nam giảm 0,63 điểm, đứng hạng 34, tụt 3 hạng so với năm 2016.
Ông Minh N. Tran, Đại học Yale, Giám đốc Nghiên cứu cấp cao của EF đánh giá: năm nay số lượng các nước tham gia khảo sát trình độ tăng lên nên mặc dù chỉ giảm 0,63 điểm nhưng Việt Nam tụt hạng đáng kể. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc trong năm qua, mức độ thông thạo tiếng Anh của Việt Nam không có tiến bộ nào đáng kể.
Từ năm 2014 đến nay, với mức tăng gần 3 điểm, Việt Nam được xếp vào nhóm có mức cải thiện trình độ tiếng Anh lớn nhất trong bảng xếp hạng. Để giữ vững mức này, Việt Nam cần tập trung nhiều hơn vào việc cải cách chương trình học và việc đào tạo, nâng cao kỹ năng của giáo viên tiếng Anh trên toàn quốc. Giáo viên nên làm quen với việc hướng dẫn cho học sinh tiếng Anh, với trọng tâm là kỹ năng giao tiếp.
Hai thành phố tại Việt Nam có khả năng thông thạo tiếng Anh cao nhất vẫn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng được đánh giá có chỉ số sử dụng thông thạo tiếng Anh cao hơn so với các vùng còn lại.
Phương Thanh – Hồng Thiết – Mai Thảo