Tổ chức tôn vinh các điển hình tiêu biểu trong tổ chức triển khai Ngày Pháp luật
30/10/2018 - 15:04

TĐKT – Chiều 29/10, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo về công tác tư pháp quý III và tháng 10/2018. Người phát ngôn – Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển chủ trì họp báo.

Bộ Tư pháp họp báo quý III/2018

Theo thông tin tại họp báo, năm 2018 là năm đánh dấu 5 năm triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật trên toàn quốc (2013 - 2018). Để tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm sau 5 năm triển khai Ngày Pháp luật; biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong tổ chức triển khai Ngày Pháp luật và đợt thi đua hưởng ứng Ngày Pháp luật, Bộ Tư pháp dự kiến phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức “Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Buổi lễ dự kiến được truyền hình, tường thuật trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.

Nhân dịp này, Bộ Tư pháp mong muốn các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục thông tin, tuyên truyền về Ngày Pháp luật trên các phương tiện, nhất là trong thời gian cao điểm từ ngày 5/11 đến ngày 11/11/2018. Trong đó, tập trung tổ chức thông tin, truyền thông, phổ biến về mục đích, ý nghĩa, chủ đề của việc hưởng ứng Ngày Pháp luật; các tấm gương điển hình người tốt, việc tốt; các mô hình tiêu biểu, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật 2018 của các bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương và địa phương thông qua tin bài, chuyên trang, chuyên mục được đăng tải, phát sóng hàng ngày; tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định, chính sách mới, các vấn đề dư luận quan tâm.

Thời gian qua, Bộ, ngành Tư pháp đã bám sát Nghị quyết số 01/NQ - CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018, tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thuộc chức năng, nhiệm vụ.

Kết quả, trong quý III/2018, Bộ đã thẩm định 65 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), 9 đề nghị xây dựng VBQPPL. Trong quá trình thẩm định các VBQPPL, đặc biệt là các dự án luật được trình Quốc hội khóa XIV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6: Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Bộ cũng đã kiểm tra 1.074 văn bản của các bộ, ngành, địa phương, bước đầu phát hiện 23 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền. Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc việc ban hành văn bản quy định chi tiết. Tính đến nay, đã ban hành được 114 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh. Riêng Bộ Tư pháp, đến nay, không nợ văn bản quy định chi tiết.

Về công tác lý lịch tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã cấp 1.593 phiếu với 100% các trường hợp cấp phiếu đúng hoặc sớm hơn thời hạn theo quy định. Tiếp tục phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an tra cứu, xác minh thông tin án tích cho 23.038 hồ sơ, qua đó, góp phần rút ngắn hơn thời gian giải quyết TTHC tại các Sở Tư pháp.

Bộ Tư pháp cũng tiếp nhận mới và xử lý đối với 6 trường hợp của cơ quan, tổ chức có yêu cầu hướng dẫn giải quyết bồi thường và đã ban hành 8 văn bản hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường đối với các trường hợp này. Thực hiện việc cung cấp thông tin, hỗ trợ việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường cho 10 trường hợp.

Bộ Tư pháp tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, đã trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định để cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp. Hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các văn bản trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Trong đó có vấn đề luật sư nhận ủy quyền của đương sự, thẩm quyền của tổ chức hành nghề luật sư trong việc xác nhận giấy tờ, tập sự hành nghề luật sư, hiệu lực của Chứng chỉ hành nghề luật sư đã được cấp trước đây, vướng mắc trong thu thù lao dịch vụ đấu giá tài sản...

Phương Thanh