Dự lễ dâng hương có các đồng chí: Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; các Phó Trưởng ban: Phạm Đức Toàn, Nguyễn Anh Tuấn, Đỗ Thúy Phượng; lãnh đạo các phòng, đơn vị, trưởng các đoàn thể thuộc Ban.
Các đại biểu dự lễ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ôn lại truyền thống phát triển của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, tại buổi lễ, đồng chí Đỗ Thúy Phượng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương nhấn mạnh: Khi còn sinh thời, Bác luôn quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng. Ngay trong những năm đầu xây dựng chính quyền nhân dân, ngày 17/9/1947, Bác với cương vị là Chủ tịch nước đã ký Sắc lệnh số 83/SL thành lập Viện Huân chương trực thuộc Phủ Chủ tịch để tham mưu thực hiện các nhiệm vụ về khen thưởng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác khen thưởng, đánh dấu mốc son đầu tiên trong quá trình 77 năm hình thành và phát triển của tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng.
Nhìn lại chặng đường lịch sử 77 năm xây dựng và phát triển, với những tên gọi khác nhau từ Viện Huân chương (năm 1947), Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước (năm 1987) đến Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (năm 2004), Viện Huân chương trước đây, Ban Thi đua - Khen thưởng hiện nay đều hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ban đã chủ động, sáng tạo, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ Nội vụ lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng đúng định hướng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới đất nước. Đặc biệt năm 2022, đã trình Quốc hội thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (thay thế Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003); trình Chính phủ ban hành nhiều nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật. Tham mưu tổ chức thành công các kỳ Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc nhằm tổng kết phong trào thi đua qua các giai đoạn và biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến. Tham mưu phát động nhiều phong trào thi đua trọng tâm, nòng cốt: Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025”... gắn các phong trào thi đua với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức rộng khắp các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác khen thưởng được thực hiện theo đúng quy định, kịp thời, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, đảm bảo tính biểu dương, tôn vinh.
Nối tiếp truyền thống vẻ vang của ngành, của các thế hệ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng trong 77 năm qua, trước anh linh của Người, tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương nguyện không ngừng tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản thân, khắc phục khó khăn, phát huy những kết quả đã đạt được, ra sức thi đua, tập trung thực các nhiệm vụ:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt chức năng tham mưu quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng và nhiệm vụ thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; tham mưu hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật, tạo cơ sở pháp lý, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng.
Hai là, tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, với nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, hướng phong trào thi đua vào việc giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và của các bộ, ngành, địa phương.
Ba là, tăng cường công tác tham mưu, phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, các điển hình tiên tiến gương, người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực, đặc biệt trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh …, tạo sự lan tỏa trong đời sống xã hội.
Bốn là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, đảm bảo khen thưởng kịp thời, chính xác; quan tâm đến việc phát hiện nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong các phong trào thi đua, để khen thưởng, tôn vinh kịp thời.
Năm là, đôn đốc các bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức Đại hội thi đua các cấp, các ngành, tạo không khí thi đua sôi nổi, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội đảng các cấp. Tổ chức thành công Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI năm 2025.
Sáu là, củng cố tổ chức bộ máy và cán bộ; thực hiện chuẩn mực đạo đức người cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng: Tận tụy, trách nhiệm trong công việc; sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ và gương mẫu trong đạo đức lối sống.
Phương Thanh