TĐKT - Chiều 17/7, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức họp báo thường kỳ Quý II/2018. Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì buổi họp báo. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc bộ cùng đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí.
Toàn cảnh họp báo
Tại buổi họp báo, lãnh đạo các đơn vị đã thông tin đến các cơ quan báo chí một số nội dung: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm và kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; giới thiệu các nội dung trọng tâm Luật Đo đạc và Bản đồ; tình hình khí tượng thủy văn 6 tháng đầu năm và dự báo khí tượng thủy văn mùa mưa bão năm 2018 cùng một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác dự báo phục vụ phòng, chống thiên tai; một số chính sách quan trọng sẽ được quy định tại dự thảo Nghị định quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông; tình hình nhập khẩu phế liệu, các giải pháp và kiến nghị.
Theo báo cáo của Bộ TNMT, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, quán triệt tinh thần "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TNMT đã theo sát tình hình thực tiễn, chủ động chỉ đạo triển khai các giải pháp phù hợp để tăng cường bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong công tác chỉ đạo điều hành đã xác định đúng các trọng tâm, dự báo sát tình hình tham mưu kịp thời cho Chính phủ giải quyết nhiều vấn đề quan trọng cho phát triển kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội: Tập trung phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đai để các địa phương triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường bảo vệ môi trường trong thực hiện các dự án đầu tư; dự báo trước khả năng hạn hán, xâm nhập mặn, cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết cực đoan để các địa phương, người dân chủ động phòng tránh…
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ đã trình và được Quốc hội thông qua Luật đo đạc và bản đồ; triển khai xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về quy hoạch của Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Khí tượng thủy văn, Luật đa dạng sinh học, Luật TNMT biển và hải đảo; phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương trình Bộ Chính trị báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khoá XI và triển khai việc sơ kết 5 năm tình hình thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khoá XI. Trình Chính phủ 4 Nghị định, 1 đề xuất xây dựng Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo 10 Quyết định; ban hành theo thẩm quyền các thông tư…
Công tác thanh tra, kiểm tra có nhiều đổi mới từ khâu xác định nội dung thanh tra, tổ chức tập huấn, đến công tác phối hợp giữa Bộ TNMT với các bộ, ngành, các địa phương trong triển khai các đoàn thanh tra. Bộ đang triển khai 42 cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát theo kế hoạch.
Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, nhất là các vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao, các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ được triển khai khẩn trương. Tình hình khiếu nại, tố cáo có chiều hướng giảm (khoảng 33%) so với cùng kỳ năm 2017.
Nhận định về tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn năm 2018 ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, năm 2018 tình hình thiên tai, khí tượng diễn biến phức tạp. Dự báo số lượng bão áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng tương đương so với trung bình nhiều năm (tổng cộng cả năm khoảng 12-13 cơn bão) và có 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền đến đất liền nước ta, ít hơn so với trung bình nhiều năm.
Xu thế chung là bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động nhiều nhưng yếu ở Bắc Biển Đông vào đầu mùa, ít nhưng mạnh vào nửa cuối mùa, không nhiều như năm 2016 và 2017 cả về số lượng và cường độ.
Nền nhiệt độ trong 6 tháng cuối năm trên toàn quốc phổ biến ở mức trung bình nhiều năm (TBNN), riêng các tỉnh miền Bắc có xu hướng cao hơn so với TBNN vào tháng 11-12/2018. Khả năng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ sẽ có mùa đông ấm. Nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ vẫn còn có khả năng xuất hiện trong nửa cuối tháng 7 đến tháng 8, nhưng không gay gắt và không kéo dài.
Theo ông Lê Thanh Hải, thời điểm tháng 7 và tháng 8 tới đây, các đợt mưa lớn sẽ đổ bộ vào Bắc Bộ. Thời điểm kết thúc mùa mưa có khả năng sớm hơn trung bình các năm trước. Các đợt mưa lớn, trái mùa vẫn có thể xuất hiện ở Bắc Bộ và có nguy cơ cao gây ra lũ quét và sạt lở đất ở các khu vực xung yếu thuộc vùng núi phía Bắc.
Trung Bộ có tổng lượng mưa như các năm trước, sau đó có xu thế giảm hơn so với trung bình nhiều năm ở 3 tháng cuối năm. Cao điểm mùa lũ ở Trung Bộ sẽ có lượng mưa ở mức thấp hơn so với 2016, 2017. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, thời điểm kết thúc mùa mưa có khả năng sớm hơn so với trung bình nhiều năm.
Những tháng cuối năm 2018, các vùng biển phía Bắc thường có sóng lớn do chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc. Tại các tỉnh, thành phố ven biển miền Đông Nam Bộ, trong tháng 12/2018 xuất hiện ngập lụt trong khu vực đô thị do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với nước dâng do gió mùa Đông Bắc.
Nhằm chủ động phòng, chống thiên tai, Tổng cục Khí tượng thủy văn đặt trọng tâm công tác những tháng cuối năm là phải dự báo, cảnh báo sớm sự xuất hiện của bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ trái mùa ở phía Nam, mưa lũ phía Bắc, ảnh hưởng tập trung của bão mạnh ở trung bộ, theo dõi cảnh báo lũ sớm, lũ lớn ở Đồng bằng Sông Cửu Long… Cảnh báo sớm là một yếu tố chính trong giảm nguy cơ thiên tai, có thể ngăn ngừa thiệt hại về mạng sống, làm giảm tác động kinh tế và vật chất của thiên tai.
Phương Thanh