Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện được đón nhận tích cực
24/07/2019 - 14:53

TĐKT - Với mục tiêu đảm bảo quyền lợi cho mọi người dân, bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện chính là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta và được đón nhận tích cực trong giai đoạn hiện nay.

Có thể thấy rằng, hơn 10 năm qua, chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện theo 2 giai đoạn, với những quy định khác nhau. Giai đoạn đầu thực hiện theo Luật BHXH 2006 (Luật số 71/2006/QH11); giai đoạn tiếp theo thực hiện theo Luật BHXH năm 2014 (Luật số 58/2014/QH13).

Quy định về BHXH tự nguyện tại Luật BHXH năm 2014 là sự tổng kết kinh nghiệm 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2006, trên cơ sở đó có những sửa đổi phù hợp với tình hình thực tiễn và đáp ứng tốt yêu cầu mở rộng diện bao phủ BHXH đến người lao động (NLĐ) thuộc mọi khu vực của nền kinh tế.

Tuy nhiên, sau 10 năm, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Có thể thấy, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, là do chính sách này chưa thực sự tạo hấp dẫn cho người dân, trong khi mặt bằng thu nhập của nhiều người còn thấp, thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu dài (20 năm).

 Ngoài ra, còn do chưa có những giải pháp đột phá trong tiếp cận, vận động người dân, chưa có cơ chế hoa hồng đủ sức hấp dẫn các đại lý thu, việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC)l dù có những bước tiến nhưng chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận thông tin và đăng ký tham gia…

Cán bộ BHXH tích cực đến tận các hộ gia đình tư vấn về BHXH tự nguyện

Trong giai đoạn hiện nay, chính sách BHXH tự nguyện đã và đang được người dân đón nhận tích cực. Theo thống kê, cả nước hiện còn khoảng 30 triệu người chưa tham gia BHXH - đây là cơ hội để ngành BHXH thực hiện mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

 Để thu hút nhóm đối tượng này vào hệ thống BHXH, ngành BHXH đã có những nỗ lực rất lớn như: Ưu tiên mở rộng, phát triển đối tượng, lấy khách hàng là trung tâm; công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật được gắn với kết quả hoạt động trong phát triển đối tượng; đưa ra nhiều gói tỷ lệ hoa hồng cho người phát triển đối tượng, ưu tiên cho phát triển BHXH bền vững và lâu dài; tăng cường tập huấn, đào tạo đội ngũ nhân viên đại lý thu...

Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 28-NQ/TW được ban hành, với định hướng chính trị thực hiện “BHXH toàn dân” và dưới sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, BHXH Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Cụ thể: Đề xuất với Chính phủ tăng mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện hoặc linh hoạt hơn về mức hỗ trợ (mức hỗ trợ tối thiểu bằng 30%, 25%, 10%) để địa phương nào có điều kiện kinh tế thì có thể hỗ trợ mức đóng cao hơn cho người tham gia BHXH tự nguyện. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện vào trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo tinh thần Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 3/8/2018 của Chính phủ; thường xuyên sơ kết, tổng kết, đánh giá, kiểm điểm những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chậm phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; đưa ra các giải pháp nhằm tăng nhanh đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Song song với đó, BHXH Việt Nam còn chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể… tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách BHXH tự nguyện để nhiều người dân hiểu và chủ động đăng ký tham gia. Mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, phấn đấu mỗi thôn, bản, tổ dân phố đều có điểm thu BHXH tự nguyện, có nhân viên đại lý thu.

Hướng dẫn, tập huấn chính sách BHXH tự nguyện cho các nhân viên đại lý thu, để lực lượng này phối hợp tuyên truyền, tư vấn đến từng người dân. Giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho BHXH cấp huyện và từng đại lý thu.

Đa dạng các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ, tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người tham gia BHXH tự nguyện.

Nhờ đó, đến hết tháng 6/2019, toàn quốc đã có 405.695 người tham gia BHXH tự nguyện.

Hơn hết, trong thời gian qua, chính sách an sinh xã hội đã được Đảng và Nhà nước quan tâm một cách sâu sắc, toàn diện và hài hòa hơn và được thực hiện đồng bộ với mục tiêu phát triển kinh tế. Đặc biệt, có một vấn đề mới, đó là trong 6 tháng qua, mô hình phát triển BHXH tự nguyện đã đạt kết quả rất tốt, với 135.000 người tham gia mới và dự kiến đến hết năm 2019 sẽ có khoảng 490.000 người tham gia.

Với quyết tâm rất cao, đặc biệt là sự phối hợp của BHXH Việt Nam với các cơ quan ban, ngành cũng như sự hỗ trợ trực tiếp từ các địa phương, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện lên bằng 10 năm qua.

Như vậy, việc triển khai Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH rõ ràng có hiệu quả trong thực tiễn, với sự vào cuộc của các ngành, các cấp mà trong đó có 4 yếu tố gồm: Sự vào cuộc của lãnh đạo các cấp ủy và chính quyền; đổi mới cách làm; công tác tuyên truyền; xây dựng chính sách BHXH vì người dân.

La Giang