Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công
18/07/2019 - 15:15

TĐKT - Ngày 17/7, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài” và Hội thảo khoa học “Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công”. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, thời gian qua, có nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành các chính sách “trải thảm đỏ” nhằm thu hút người có tài năng về làm việc tại các cơ quan nhà nước, họ đã phát huy được năng lực, sở trường và bước đầu có những kết quả đóng góp tốt cho cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, các chính sách này trên thực tế chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn; các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài còn một số hạn chế, bất cập như: Chưa có văn bản quy phạm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; chưa được thực hiện một cách đồng bộ, còn tùy thuộc vào khả năng của từng bộ, ngành, địa phương; các chính sách chủ yếu thu hút những người có trình độ cao về bằng cấp…

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu tại Hội thảo

Vì vậy, Bộ Nội vụ được giao chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt Đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài; quy định khung cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức Lê Minh Hương công bố các Quyết định và đề cương Đề án

Tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức Lê Minh Hương công bố các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ thành lập Ban chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài”; đồng thời, trình bày dự thảo đề cương Đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài”.

Theo đó, đề cương Đề án gồm 5 phần, nội dung khái quát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thu hút, trọng dụng nhân tài; kinh nghiệm trọng dụng nhân tài của thời kỳ phong kiến ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế. Cùng với đó, đánh giá thực trạng các chính sách thu hút, trọng dụng cán bộ, công chức, viên chức ở một số đơn vị, địa phương và các nhóm giải pháp nhằm thu hút và trọng dụng nhân tài.

Mục tiêu chung của Đề án là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về Nghị quyết số 132/NQ-CP ngày 24/10/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây đựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 06/6/2018 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, từ đó nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện việc thu hút, trọng dụng nhân tài mang lại hiệu quả.

Cùng với đó, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng để thu hút, trọng dụng nhân tài; góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tài trong các cơ quan của Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến cơ sở.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu bật các vấn đề đã thảo luận và một số vấn đề mới đặt ra như: Sự cần thiết phải ban hành Đề án và các quy định của Nhà nước về thu hút, trọng dụng nhân tài. Về nội dung đặt ra trong Đề án là cơ sở xây dựng thể chế để thu hút, trọng dụng nhân tài trong thời gian tới, các tham luận đã làm phong phú thêm các nội dung cũng như đưa ra các giải pháp thực hiện. Tuy nhiên, bố cục Đề án chưa được đóng góp nhiều ý kiến. Các nhóm giải pháp cần phải lấy xuất phát điểm từ mục tiêu để đưa ra cho phù hợp. Đề án cũng cần mở rộng nội dung, ngoài việc thu hút, trọng dụng cần phải có đào tạo, bồi dưỡng nhân tài.

Bên cạnh đó, khái niệm nhân tài cũng cần được làm rõ và thống nhất sử dụng; cần làm rõ hơn tại sao các chính sách của bộ, ngành, địa phương hiện nay không thu hút được nhiều nhân tài vào làm việc, trong khi đó khu vực tư lại thu hút được.

Đặc biệt, Đề án phải xác định rõ lĩnh vực nào, cấp nào ưu tiên thu hút nhân tài; ngoài các chính sách thu hút phải tạo được môi trường làm việc tốt cho nhân tài cống hiến, phát huy. Xây dựng cơ chế mở rộng quyền cho người đứng đầu trong việc tuyển dụng, sử dụng nhân tài và không giới hạn phạm vi về nhân tài, không phân biệt nhân tài khu vực công, khu vực tư, trong nước, ngoài nước.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị Tổ biên tập tiếp thu ý kiến các đại biểu, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề cương và sớm hoàn thành việc xây dựng Đề án để xin ý kiến Ban chỉ đạo, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý; chuẩn bị tốt nội dung cho Hội thảo tiếp theo.

Hồng Thiết