Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp tiếp tục tăng 1 bậc
30/07/2019 - 21:16

TĐKT - Chiều 30/7, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo công tác tư pháp quý II/2019. Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn chủ trì họp báo.

Toàn cảnh họp báo

 6 tháng đầu năm 2019, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành tư pháp được thực hiện theo đúng phương châm "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả" của Chính phủ, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019.

Bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, 6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 114 nhiệm vụ, đã hoàn thành 66 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 48 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn.

Công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp tiếp tục tăng 1 bậc, xếp thứ 3/18 bộ, ngành được đánh giá.

Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được quan tâm. Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã tích cực xây dựng, hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; thông qua 7 luật và cho ý kiến 9 dự án luật khác; tập trung xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Công tác thẩm định VBQPPL đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 6 tháng vừa qua, toàn ngành đã thẩm định 2.853 dự thảo VBQLPL, trong đó Bộ Tư pháp đã thẩm định 105 dự thảo.

Việc triển khai các luật, nghị quyết do Quốc hội mới ban hành được các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện, qua đó, có những phản ứng chính sách kịp thời đối với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, nhất là với những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Nhiều bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai những mô hình, cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Kết quả thi hành án dân sự 8 tháng đầu năm 2019 cơ bản đạt tiến độ: Về việc đã thi hành xong 336.404 việc, đạt tỷ lệ 60,24%. Về tiền, đã thi hành xong gần 23.900 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 16,01%.

Bộ, ngành Tư pháp xác định các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong công tác tư pháp 6 tháng cuối năm 2019: Tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả, chất lượng 8 nhóm nhiệm vụ công tác trọng tâm đã được xác định từ đầu năm, nhất là đối với các nhiệm vụ chưa hoàn thành. Triển khai thực hiện có hiệu quả, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ mới phát sinh.

Trong đó, tập trung: Tổ chức sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; tham mưu cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ tổng kết Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; thực hiện tốt nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; tổng kết Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Thực hiện tốt vai trò thành viên Tiểu Ban kinh tế - xã hội chuẩn bị Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn các nhiệm vụ đã được xác định tại Nghị quyết số 02 của Chính phủ; triển khai thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thực hiện hiệu quả Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 - 2021"; Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022". Xây dựng và tổ chức triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ, phát huy tốt vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới.

Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính. Tăng cường quản lý Nhà nước về công tác nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp.

Tiếp tục rà soát, đánh giá tác động đối với hệ thống pháp luật Việt Nam và đề xuất phương án xây dựng, sửa đổi, bổ sung VBQPPL khi tham gia các hiệp định mới ký kết, nhất là Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (IPA).

Phương Thanh