TĐKT - Chiều 22/12, tại Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Medlatec tổ chức Hội thảo “Cập nhật các thăm dò cận lâm sàng mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh” nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị phục vụ nhân dân.
Cập nhật các thăm dò cận lâm sàng mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh
Tại Hội thảo, nhiều giáo sư, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực vi sinh, chẩn đoán hình ảnh trong nước và quốc tế đã chia sẻ các kỹ thuật thăm dò cận lâm sàng mới trong chẩn đoán, điều trị bệnh qua các báo cáo khoa học: Xu hướng mới trong điều trị bướu giáp nhân; chỉ định xét nghiệm vi sinh hợp lý trong chẩn đoán và điều trị bệnh.
Hiện nay, để theo dõi và chẩn đoán bệnh, thầy thuốc không chỉ dựa vào các biểu hiện thăm khám “nhìn, sờ, gõ, nghe” mà cần kết hợp với các kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng. Với kết quả xét nghiệm chính xác, thời gian trả kịp thời và những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả chẩn đoán giai đoạn bệnh, theo dõi sau điều trị và điều trị.
Tại Hội nghị, bà Kate Suh, Quản lý khu vực Đông Nam Á, Australia và NewZealand Tập đoàn Y tế Starmed cho biết, bướu giáp nhân (hay còn gọi là u tuyến giáp lành tính) là bệnh lý thường gặp nhất của tuyến giáp. Theo các nghiên cứu khác nhau trên thế giới cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh trong dân cư lên tới khoảng 40 đến 60%, trong đó nam giới chiếm đa số. U lành tuyến giáp có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như ho, khó thở, vướng khi nuốt, đau, khối nổi vùng cổ gây mất thẩm mỹ.
Hiện nay, phương pháp đốt sóng cao tần được áp dụng trong nhiều trường hợp như u gan, phổi, thận... Đối với nhân lành tính tuyến giáp, các trường hợp nhân dưới 19 mm; nang với phần đặc từ hơn 50%; có triệu chứng lâm sàng vùng cổ, loạn cảm họng, nuốt vướng, khó thở; nhân độc tuyến giáp (AFTN) gây nhiễm độc giáp có thể can thiệp bằng phương pháp này.
Kỹ thuật đốt sóng cao tần an toàn bởi sử dụng dòng điện xoay chiều trong 4 -6 phút sẽ đốt hiệu quả các mạch trong nốt. Kỹ thuật được kiểm soát hoàn toàn dưới hướng dẫn siêu âm nên tránh làm tổn thương mạch máu lân cận.
Phát biểu tại Hội thảo, ThS, BS Nguyễn Thị Kim Len, Giám đốc BVĐK Medlatec, cho biết: Tiền thân từ một phòng khám lâm sàng với dịch vụ tiên phong là “lấy mẫu xét nghiệm tận nơi”, trải qua 22 năm hình thành và phát triển, đến nay đã có 20 cơ sở; gồm bệnh viện, phòng khám, văn phòng lấy mẫu trải dài khắp cả nước.
Medlatec đã tạo được dấu ấn trong lòng khách hàng về hình ảnh của một bệnh viện năng động, hiện đại, đi đầu trong lĩnh vực xét nghiệm, trong đó một số lĩnh vực chuyên môn, kỹ thuật, bệnh viện đã vươn tới tầm khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, đứng trước nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao, đòi hỏi hệ thống y tế nói chung và BVĐK Medlatec nói riêng không ngừng cập nhật các kiến thức y học mới, các ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác thăm dò lâm sàng, cận lâm sàng trong chẩn đoán và điều trị. Theo đó, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh thông qua dịch vụ y tế công nghệ cao luôn là ưu tiên hàng đầu của bệnh viện trong định hướng hoạt động và phát triển.
Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện các chuyên khoa và dịch vụ y tế hiện có, Medlatec không ngừng chú trọng phát triển chuyên sâu các tất cả các lĩnh vực, thông qua đầu tư đồng bộ các hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính, siêu âm, Xquang, cùng các trang thiết bị hiện đại, phổ khắp các chuyên khoa: Chẩn đoán hình ảnh, gan mật, sản khoa…
Hội thảo “Cập nhật các thăm dò cận lâm sàng mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh” tuy chỉ là một phần nhỏ trong số các tài liệu và công trình nghiên cứu khoa học mà Medlatec triển khai trong năm 2017 và các năm vừa qua, song cũng phần nào thể hiện được chủ trương, định hướng của Medlatec trong việc ưu tiên nghiên cứu và ứng dụng nghiên cứu khoa học trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Hồng Thiết