Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu, cả nước ghi nhận 3.948 loài cây thuốc, trong đó chỉ 10% là cây thuốc trồng, còn lại là cây thuốc trong tự nhiên. Do không đáp ứng được nhu cầu trong nước nên 80% dược liệu sử dụng hiện nay là nhập khẩu. Sản xuất dược liệu trong nước còn thiếu quy hoạch, không đạt tiêu chuẩn Hệ quản lý chất lượng GACP của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hiện nước ta chỉ có 18 trong số 300 cây dược liệu được cấp chứng chỉ GACP. Công tác quản lý về chất lượng dược liệu còn bất cập, đe dọa an toàn đối với người sử dụng, nhất là có sự lẫn lộn về dược liệu bảo đảm chất lượng và không bảo đảm chất lượng; không truy xét được nguồn gốc xuất xứ; thiếu hệ thống dữ liệu về dược liệu cấp toàn quốc; thiếu kinh nghiệm điều hành, quản lý sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng dược liệu trong nước và xuất khẩu.
Hiệp hội Dược liệu Việt Nam đánh giá tiềm năng cây dược liệu Việt Nam rất lớn, nhiều cây dược liệu quý, thí dụ như sâm Ngọc Linh được đánh giá có chất lượng cao hơn sâm của nước ngoài. Nhưng để khai thác được tiềm năng đó thì phải giải bài toán về vấn đề chất lượng dược liệu và đầu ra cho sản phẩm dược liệu. Tại hội nghị trực tuyến, đại biểu các bộ, ban, ngành, các công ty dược, bệnh viện y học cổ truyền và các địa phương đã nêu nhiều ý kiến về giải pháp và cơ chế, chính sách nhằm phát triển dược liệu Việt Nam theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế theo chuỗi giá trị.
Hội nghị toàn quốc của Chính phủ về phát triển Dược liệu Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tiềm năng to lớn và điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu ở Việt Nam. Tuy vậy, trong phát triển cây dược liệu ở nước ta vẫn còn những khó khăn. Trong đó, Thủ tướng chỉ ra quy hoạch sản xuất dược liệu chưa xác định rõ được trồng loại cây gì và ở đâu, nhất là với các cây dược liệu phong phú ở miền bắc và miền trung. Việc cần làm là tìm biện pháp tổ chức sản xuất gắn với chế biến, thay vì chỉ chế biến thô có hiệu quả thấp; tổ chức đầu ra, tiêu thụ sản phẩm dược liệu, bao gồm cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thủ tướng cũng thống nhất quan điểm động lực của phát triển dược liệu là từ nhu cầu của thị trường và lấy kinh tế tư nhân, bao gồm doanh nghiệp tư nhân, hộ cá thể làm động lực phát triển. Bên cạnh đó, cần tổ chức một số trung tâm sản xuất, chế biến dược liệu ở một số vùng, miền để sản xuất có quy mô lớn. Cần gắn sản xuất dược liệu với y học cổ truyền, những bài thuốc của các thầy thuốc Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn giữa y học hiện đại và y học cổ truyền. Sự kết hợp này phải từ trường học, các ngành, các cấp và đặc biệt trong ngành y tế.
Đối với vấn đề thể chế chính sách phát triển cây dược liệu, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ nghiên cứu đưa ra dự thảo các thể chế, chính sách, định hướng phát triển cây dược liệu. Trước mắt, lựa chọn 100 cây dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế cao để quy hoạch phát triển theo hướng nhân rộng đại trà, góp phần bảo tồn nguồn gien quý hiếm và tạo kế sinh nhai, xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.