Cần nâng cao thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
22/10/2019 - 14:03

TĐKT - Quy định thông tuyến huyện trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) sau hơn 3 năm thực hiện đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

http://baobaohiemxahoi.vn/media/articles/images/photbtcu/10.2019/f252359e-aa40-4d8b-86e3-910263931a52.jpg

Ông Nguyễn Văn Tiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên cho biết, trong quá trình xây dựng Luật BHYT 2008 và Luật BHYT 2014, rất nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng như chuyên gia, cơ quan chức năng cho rằng nên xem xét thông tuyến KCB BHYT cho người dân, bởi chúng ta cứ phải đi KCB BHYT thứ tự từ tuyến thấp lên cao, trong khi có những bệnh ở tuyến cơ sở chưa chữa được.

Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, trong cơ chế tự chủ hiện nay, nếu thông tuyến mà không quản lý cẩn thận thì nhiều người sẽ lên tuyến trên. Trong khi đó, theo nhiều ĐBQH, việc thông tuyến sẽ gây lãng phí, đồng thời sẽ tốn kém (tiền ăn ở, đi lại…) cho bệnh nhân và người nhà.

Chính vì vậy, khi xem xét vấn đề thông tuyến, Quốc hội đã quyết định trước mắt sau 2 năm (năm 2016) mở thông tuyến huyện và đến năm 2021 tính toán mở thông tuyến tỉnh.

Ngoài ra, trong những năm 2010 - 2012, quỹ BHYT ở các tỉnh miền núi kết dư khá nhiều nên Luật đã cho phép người dân tộc thiểu số (DTTS), người sống ở vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), hải đảo… được chuyển thẳng lên tuyến trung ương, nhưng thực tế các đối tượng đó đi KCB ở tuyến trung ương rất ít.

Nhưng nếu mở thông tuyến tỉnh, tuyến trung ương quá sớm với các đối tượng khác, người bệnh sẽ ào ạt lên thẳng tuyến trên, dẫn đến việc quản lý quỹ trở thành vấn đề lớn.

Mặt khác, người bệnh dồn lên tuyến tỉnh, chúng ta cũng không đạt mục tiêu giảm tải cho bệnh viện tuyến trên (thời điểm đó tuyến tỉnh và trung ương đều quá tải, người bệnh đều phải nằm ghép). Vì vậy, trong thời gian chờ thực hiện theo lộ trình, Chính phủ cũng như Bộ Y tế cần có sự chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Khi đặt lộ trình, đã xác định sau 5 năm thực hiện thông tuyến huyện sẽ có kinh nghiệm chuẩn bị cho thông tuyến tỉnh. Qua 3 năm thông tuyến huyện, quyền được tiếp cận các dịch vụ y tế được người dân rất ủng hộ do việc đi KCB rất thuận lợi. Tuy nhiên, việc quản lý cũng gặp một số vấn đề rắc rối nhưng có thể nghiên cứu và điều chỉnh hợp lý.

Ông Tiên nhấn mạnh, thông tuyến huyện trong KCB BHYT là một trong những đột phá của chính sách y tế nhưng cũng phải xem xét cùng với những quy định khác để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.

 Trước đây, trạm y tế xã rất nhiều việc (tuyên truyền, tiêm chủng, KCB thông thường…); bây giờ chỉ làm công tác tuyên truyền, tiêm chủng, còn KCB người dân không tin tưởng nữa. Nguyên nhân là y tế xã do bệnh viện huyện quản lý, cấp thuốc gì thì được thuốc đó và thuốc ở y tế xã thấp hơn so với ở bệnh viện… khiến người dân phải lên tuyến trên.

Vì vậy, cần phải sửa đổi chính sách để thuốc ở xã cũng được như ở huyện; một số dịch vụ xét nghiệm cơ bản cũng nên trang bị cho tuyến xã. Sửa Luật BHYT làm sao để y tế xã ngoài việc tiêm chủng, KCB thông thường, tư vấn… còn có chức năng kiểm tra, khám sức khỏe tại nhà cho một số đối tượng ưu tiên (người già, người tàn tật…). Làm như vậy sẽ giúp bệnh nhân không phải lên tuyến trên nữa.

Sau nhiều năm thực hiện pháp luật BHYT, cần phải xác định được phương thức chi trả theo trường hợp bệnh có hiệu quả nhất và được nhiều nước áp dụng. Khi xây dựng Luật BHYT 2008 cũng như Luật BHYT 2014, Quốc hội chủ yếu giao Chính phủ chứ không có lộ trình.

Cụ thể, có 3 phương thức chi trả nhưng chúng ta không xác định thời điểm sử dụng phương thức chi trả nào chiếm tỷ lệ cao nhất. Sau hơn 10 năm thực hiện Luật BHYT, Bộ Y tế vẫn chưa đưa ra được phương thức chi trả theo trường hợp bệnh (mới thí điểm áp dụng mấy ca bệnh); do đó Chính phủ phải quyết tâm xây dựng Luật BHYT mới, trong đó phải quy định rõ sau thời gian nào Luật có hiệu lực thì phải sử dụng phương thức chi trả theo trường hợp bệnh (ví dụ sau 2 năm thực hiện với tỉ lệ 30% và sau 3 năm là 60%...).

Với xu hướng hiện nay, cần phải đầu tư chăm sóc sức khỏe ban đầu thì thông tuyến sẽ không ảnh hưởng gì. Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã cho y tế xã cơ sở vật chất và nhân lực thì cũng phải cho y tế xã động lực. Khi y tế xã có đủ động lực để quản lý tốt thì người dân không phải lên tuyến trên nữa, bởi bất kỳ người bệnh nào cũng muốn được quản lý, chăm sóc tại cơ sở, còn khi bệnh nặng thì có thể được chuyển thẳng lên tuyến trên.

La Giang