Bộ Y tế tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh
15/07/2019 - 14:11

TĐKT - Ngày 12/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB). Đến dự và chỉ đạo hội nghị có PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế .

https://www.moh.gov.vn/documents/20182/0/12.7.2019+BT+anh+1.jpg/715db68f-3af6-49d6-a39c-e26137948b24?t=1562922135204

 Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành luật khám bệnh, chữa bệnh

Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua vào ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011. Đây là đạo luật đầu tiên thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh.

https://www.moh.gov.vn/documents/20182/0/12.7.2019+BT+anh+2.jpg/53a5dcc0-bb25-4ba3-938e-87ec496b2085?t=1562922135391

PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, việc ban hành Luật nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong hoàn cảnh Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới và cũng đã tham gia một số hiệp định quốc tế trong lĩnh vực hành nghề y khoa.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Luật cũng đã có một số hạn chế, bất cập như: Một số quy định chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam cũng như một số nội dung chưa bảo đảm tính hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị nêu rõ những mặt đạt được, những hạn chế, bất cập của toàn bộ quá trình thi hành Luật.

Trong đó, cần lưu ý, xác định được những điều khoản, nội dung nào trong Luật gây vướng mắc, mâu thuẫn, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn các thầy thuốc, nhân viên y tế. Đồng thời, nghiên cứu các nội dung cần sửa đổi cần đồng bộ với các Luật khác; xác định những nội dung hành lang pháp lý cần thiết phải ban hành nhưng chưa có trong Luật hiện tại. Các nội dung điều chỉnh, bổ sung cần đảm bảo phù hợp với quá trình quốc tế của Việt Nam.

Báo cáo tại Hội nghị, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế cho biết: Trong những năm qua, các cơ sở y tế công lập được củng cố và phát triển cả về số lượng, chất lượng và quy mô, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống: Số cơ sở tăng nhanh, từ 11.397 cơ sở năm 1993 lên 13.541 cơ sở năm 2016, bao gồm cả phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trạm y tế xã, hiện đang được sắp xếp lại cho phù hợp.

Các cơ sở y tế tư nhân có bước phát triển lớn, đóng vai trò quan trọng trong cung ứng dịch vụ y tế cho người dân. Số bệnh viện và số giường bệnh ngoài công lập tăng nhanh: Năm 2005 có 43 bệnh viện trên địa bàn của 9 tỉnh, thành phố với 3.324 giường bệnh, nay đã tăng lên 250 bệnh viện với 15.475 giường bệnh (đạt 1,7 giường/vạn dân, chiếm 15% số bệnh viện và 5,6% số giường bệnh trong toàn quốc), có khoảng gần 40.000 nhà thuốc, 35.000 phòng khám đa khoa, chuyên khoa, cung cấp 43% dịch vụ ngoại trú và 2,1% tổng số dịch vụ nội trú cho người dân (một số bệnh viện 100% vốn nước ngoài có trang thiết bị hiện đại đã được đưa vào hoạt động). Một số phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân tham gia thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Bên cạnh đó, thành tựu lớn nhất trong thời gian vừa qua là đã từng bước khôi phục, củng cố và phát triển được mạng lưới y tế cơ sở… Nhiều trạm y tế xã được đầu tư nâng cấp, cơ sở vật chất khang trang, 66,1% xã năm 2015 và khoảng 70% xã năm 2016 đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã…

Đặc biệt, các bệnh viện tuyến tỉnh cũng đã chú trọng phát triển các kỹ thuật cao để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Nhiều kỹ thuật trước đây chỉ các bệnh viện Trung ương tuyến cuối mới thực hiện được, nhưng do đẩy mạnh đào tạo, chuyển giao kỹ thuật của tuyến trên và sự cố gắng, nỗ lực của các bệnh viện tuyến dưới, đến nay các bệnh viện tỉnh, huyện đã thực hiện được.

Trong giai đoạn tới, Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức tốt việc thực hiện và áp dụng pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ Y tế kiến nghị sửa đổi đối với một số nội dung cụ thể trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh về các khái niệm trong Luật; về các hành vi bị nghiêm cấm; về quyền và nghĩa vụ của người bệnh; về cấp chứng chỉ hành nghề; cấp giấy phép hoạt động; các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; về giải quyết tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh; về ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh; về an ninh bệnh viện.

La Giang