Bộ Quốc phòng tích cực chuẩn bị cho Năm ASEAN 2020
25/11/2019 - 20:53

TĐKT - Năm 2020, Bộ Quốc phòng sẽ chủ trì tổ chức hơn 20 hội nghị và hoạt động quân sự - quốc phòng của ASEAN. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của đối ngoại quốc phòng giai đoạn 2018 - 2020.

Công tác chuẩn bị cho Năm ASEAN 2020 đã được Bộ Quốc phòng tích cực triển khai ngay từ đầu năm 2018. Bộ Quốc phòng đã xây dựng Đề án tổ chức các Hội nghị và hoạt động quốc phòng - quân sự ASEAN năm 2020, thành lập Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về ASEAN năm 2020 và các Tiểu ban, phân công nhiệm vụ đến từng cơ quan, đơn vị.

Trong năm 2019, Bộ Quốc phòng tập trung tham vấn các nước trong ASEAN, các nước đối tác, đối thoại (các nước Cộng) về nội dung, chủ đề, kế hoạch và các sáng kiến mà Việt Nam dự kiến đề xuất trong năm 2020. Các ưu tiên và sáng kiến của Bộ Quốc phòng được xây dựng trên cơ sở bám sát nội hàm của chủ đề quốc gia năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ công bố ngày 4/11/2019 tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, tạo sự gắn kết, liền mạch của các hoạt động hợp tác quốc phòng - quân sự ASEAN với tổng thể các hoạt động hợp tác của trụ cột chính trị - an ninh ASEAN cũng như toàn bộ các hoạt động trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN.

Trên cơ sở đó, Bộ Quốc phòng xác định chủ đề các hội nghị quốc phòng - quân sự ASEAN trong năm 2020 là “Hợp tác quốc phòng vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”.

Các ưu tiên trong Năm ASEAN 2020 được xác định: Thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc phòng - quân sự nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác. Chủ động đề xuất sáng kiến, hình thức hợp tác mới, nhất là các sáng kiến hướng vào việc củng cố thể chế, nâng cao năng lực phối hợp hoạt động chung và làm sống động các cơ chế hợp tác hiện có. Tăng cường hợp tác thực chất trong lĩnh vực quốc phòng - quân sự. Thúc đẩy giải quyết các vấn đề an ninh, cả an ninh truyền thống và phi truyền thống, tội phạm xuyên quốc gia, các vấn đề nảy sinh trên biển... Nâng cao năng lực của Việt Nam thông qua hợp tác thực chất và đăng cai đồng chủ trì Nhóm chuyên gia ADMM+ về gìn giữ hòa bình.

Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục triển khai các sáng kiến của các nước Chủ tịch trước, cũng như ưu tiên thúc đẩy, tăng cường đoàn kết nội khối, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, tìm ra những hình thức hợp tác mới, mang tính thực chất, hiệu quả, phục vụ lợi ích chung của ASEAN, với tinh thần thành công của năm ASEAN 2020 tại Việt Nam sẽ là thành công chung của ASEAN.

Các sáng kiến, nội dung mới mà Bộ Quốc phòng có thể nghiên cứu thúc đẩy: Thiết lập một số trung tâm ASEAN nhằm đưa hợp tác vào thực chất cũng như thu hút sự đóng góp của các nước đối tác; nâng cao hình ảnh, tăng cường nhận diện của ASEAN như thông qua phối hợp tuyên truyền về ASEAN, nhất là các hoạt động chung. Việt Nam cũng có thể nghiên cứu hình thức và nội dung phù hợp để củng cố cơ chế hiện có nhưng vừa qua chưa được coi trọng đúng mức như Diễn đàn Chính sách An ninh ARF (ASPC)...

Thiếu tướng Lê Xuân Sang, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) cho biết: Công tác chuẩn bị cơ sở, vật chất, nguồn nhân lực phục vụ các hội nghị quốc phòng - quân sự cũng được Bộ Quốc phòng tích cực triển khai và hiện nay đang bước vào giai đoạn hoàn tất; trong đó, công tác đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực được đặc biệt chú trọng. Bộ Quốc phòng đã cử một số cán bộ tham dự các khóa học tiếng Anh chuyên ngành ASEAN tại Singapore; tổ chức các lớp tập huấn dành cho cán bộ làm công tác nội dung, thư ký hội nghị, công tác tổ chức, lễ tân, sĩ quan liên lạc, tiếp cận, tổ chức các đoàn quan sát viên trực tiếp tham dự một số hội nghị tại Thái Lan trong năm 2019 để học hỏi, rút kinh nghiệm.

Bộ Quốc phòng dự kiến sẽ chủ trì tổ chức hơn 20 hội nghị và hoạt động quốc phòng-quân sự ASEAN, tập trung vào một số hoạt động chính: Hội nghị Hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM Hẹp); Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN (ACDFM); duyệt binh hàng hải quốc tế, Diễn tập hải quân đa phương ASEAN lần 2, Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN; Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM) và quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+);  Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Lễ kỷ niệm 10 năm ADMM; tổ chức các Cuộc gặp Không chính Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và nước Cộng bên lề ADMM Hẹp và ADMM+; tổ chức Triển lãm Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam bên lề Hội nghị ADMM+.

Ngoài ra, trong nhiệm kỳ Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, Bộ Quốc phòng sẽ triển khai nhiều hoạt động cụ thể. Trong đó có các sự kiện quốc tế về gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc, như: Hội nghị Quốc tế “Phụ nữ với hoạt động GGHB Liên hợp quốc”; Hội nghị trù bị cho Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng về GGHB; Hội thảo Quốc tế về đối tác công nghệ trong GGHB lần thứ 6. Các sự kiện quốc tế về lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh: Hội thảo “Hành động của Việt Nam và quốc tế trong khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” và Triển lãm liên quan; Hội thảo quốc tế “Những kinh nghiệm của Việt Nam và vai trò của cộng đồng quốc tế trong khắc phục hậu quả chiến tranh”; Diễn đàn An ninh môi trường Thái Bình Dương (PESF).

Nguyệt Hà