Bộ Quốc phòng họp báo quý II/2018
03/07/2018 - 14:02

TĐKT - Sáng 3/7, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo quý II/2018. Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn chủ trì họp báo.

Tại họp báo, đại diện Bộ Quốc phòng đã giới thiệu về Luật Quốc phòng (sửa đổi) năm 2018; giới thiệu thành tựu tiêu biểu của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam qua 20 năm xây dựng, phát triển; mô hình dân vận "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân"; kết quả tiêu biểu của Cảnh sát biển trên mặt trận đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại thời gian gần đây.

Toàn cảnh họp báo

Ngày 8/6/2018, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14 đã thông qua Luật Quốc phòng (sửa đổi) (sau đây viết tắt là Luật Quốc phòng năm 2018). Trên cơ sở kế thừa nội dung, kết quả thực thi Luật Quốc phòng được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14/6/2005, Luật Quốc phòng năm 2018 đã quán triệt, cụ thể hóa chủ trương, quan điểm mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, quy định mới về bảo vệ Tổ quốc trong Hiến pháp năm 2013; bổ sung những quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá Lương Quang Cương, Phó Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng Tham mưu cho biết: Luật Quốc phòng năm 2018 gồm 7 chương, 40 điều. Luật có 15 điểm mới.

Trong đó, bổ sung chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ nhằm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân, công nghiệp quốc phòng, an ninh phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quy định mới về mối quan hệ quốc phòng, an ninh, phù hợp chủ trương, quan điểm của Đảng và Hiến pháp năm 2013.

Đồng thời, Luật bổ sung các quy định về phòng, chống chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng; quy định mới về phòng thủ quân khu; quy định khu vực phòng thủ Thủ đô Hà Nội phù hợp với tính chất nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô Hà Nội, phù hợp với Luật Thủ đô.

Bổ sung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; quy định xây dựng tiềm lực đối ngoại vào trong xây dựng tiềm lực của khu vực phòng thủ; quy định đầu tư xây dựng ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng; các quy định về Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) bộ, ngành Trung ương; quy định về quyền con người, quyền công dân trong thực hiện Lệnh thiết quân luật giới nghiêm.

Bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ Quân đội nhân dân; quy định về bảo đảm nguồn nhân lực, tài chính, tài sản phục vụ quốc phòng, bảo đảm phục vụ quốc phòng trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan.

Luật cũng bổ sung quy định nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng trong duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng biển, thềm lục địa; quy định về nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, đối ngoại quốc phòng, kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về quốc phòng, phòng thủ dân sự. Luật hóa một số quy định của một số văn bản dưới luật về quốc phòng, an ninh, phòng thủ dân sự.

Giới thiệu về thành tựu tiêu biểu của Cảnh sát biển Việt Nam qua 20 năm xây dựng, phát triển, Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết: Trải qua 20 năm xây dựng, phát triển, Cảnh sát biển Việt Nam đã có những bước trưởng thành toàn diện, quan trọng, khẳng định được vị trí là lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia, chủ trì thực thi pháp luật trên biển.

Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng nắm chắc tình hình, tổng hợp, phân tích, dự báo các tình huống có thể xảy ra, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống trên biển; tổ chức hàng nghìn lượt tàu, thuyền làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các hoạt động kinh tế của ta trên biển; tuyên truyền pháp luật, yêu cầu hơn 7.400 tàu nước ngoài vi phạm; 24 lượt/chiếc giàn khoan, tàu khảo sát, nghiên cứu, thăm dò... vi phạm, ra khỏi vùng biển Việt Nam, bảo đảm giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, giữ môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước.

Cùng với đó, Cảnh sát biển đã góp phần quan trọng cùng các lực lượng chức năng khác giữ nghiêm kỷ cương, pháp luật, duy trì an ninh trật tự, an toàn trên biển; điều tra bắt và xử lý 284 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và phát mại tài sản lên đến hàng nghìn tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước.

Lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy của Cảnh sát biển đã triển khai chặt chẽ hoạt động nghiệp vụ trên các tuyến biển trọng điểm về ma túy, phối hợp với các lực lượng chuyên trách của Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan... điều tra khám phá hơn 1.500 chuyên án, vụ án, trong đó tiến hành khởi tố 365 vụ/399 đối tượng, bắt giữ hơn 2.800 đối tượng cùng nhiều tang vật...

Cảnh sát biển đã tổ chức hàng nghìn lượt/chuyến tuần tra, kiểm soát, cung cấp thông tin, ứng cứu, hỗ trợ ngư dân trong các hoạt động khai thác hải sản; thực hiện hơn 150 vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và cứu kéo hàng trăm phương tiện với 554 ngư dân gặp nạn; lai dắt 196 tàu cá của ngư dân vào khu vực neo đậu an toàn; tổ chức ứng cứu, khắc phục lũ lụt; cung cấp hàng nghìn lít dầu, thuốc men, lương thực, thực phẩm cho ngư dân bị nạn tại những vùng biển xa...

Phương Thanh