TĐKT - Ngày 3/4, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo Quý I/2019 nhằm giới thiệu, thông báo định hướng tuyên truyền tổng kết 50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh 1969 - 2019; các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn; kết quả triển khai Chương trình khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam chủ trì họp báo.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn khai mạc họp báo
* Tại họp báo, Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng Quyết nghị: "Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người".
Nhiệm vụ thiêng liêng đó được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao cho Quân đội mà trực tiếp là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 50 năm qua, các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của đơn vị nối tiếp nhau luôn trung thành tuyệt đối, đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, nêu cao ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, với tinh thần trách nhiệm cao, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội tin cậy giao phó.
Đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ đã tích cực học tập, nghiên cứu, từng bước vươn lên làm chủ vững chắc, tiến tới làm chủ hoàn toàn công nghệ giữ gìn thi hài Bác. An ninh, trật tự khu vực Lăng được đảm bảo. Công tác nghi lễ từng bước được hoàn thiện, đổi mới, tạo được ấn tượng và tình cảm tốt đẹp đối với nhân dân và khách quốc tế.
Từ năm 1975 đến nay, đơn vị đã đón tiếp và phục vụ chu đáo, an toàn trên 57 triệu lượt người, trong đó có trên 9 triệu khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; phục vụ hơn 2500 đoàn tổ chức sinh hoạt chính trị tại Lăng; phục vụ chiếu phim giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho gần 32 nghìn đoàn; tặng Huy hiệu Bác Hồ cho 214.565 đại biểu...
* Đại tá Vũ Phúc Hậu, Phó Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 12 thông tin về các hoạt động trọng tâm kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn.
Theo đó, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức nhân dịp này: Hội thảo khoa học cấp Quốc gia dự kiến tổ chức ngày 13/5 tại tỉnh Đắk Nông với chủ đề "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - Biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc"; Triển lãm "Huyền thoại Trường Sơn" tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh từ ngày 1/5 - 31/5; Chương trình giao lưu nghệ thuật "Huyền thoại một con đường" tại Km số 0, Đường Hồ Chí Minh (huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) ngày 9/5; giao lưu văn nghệ, thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tổ chức vào tối 11/5; gặp mặt, tri ân các đồng chí cán bộ nguyên là lãnh đạo, chỉ huy Bộ đội Trường Sơn, Binh đoàn 12, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động các thời kỳ tại trụ sở Binh đoàn ngày 17/5; Lễ kỷ niệm cấp Bộ ngày 18/5 tại Hội trường Bộ Quốc phòng.
Nhân dịp này, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam chủ trì, phối hợp với Binh đoàn 12 và Hội Truyền thống Trường Sơn các tỉnh tổ chức gặp mặt đại biểu cựu chiến binh Bộ đội Trường Sơn trong cả nước vào ngày 19/5. Phát động Cuộc thi tìm hiểu "60 năm truyền thống Bộ đội Trường Sơn" trong toàn Binh đoàn gắn với cuộc thi viết "Hào khí Trường Sơn".
Cùng với đó, các đơn vị đẩy mạnh hoạt động "Đền ơn, đáp nghĩa"; trọng tâm là xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ Bộ đội Trường Sơn. Tổ chức tốt hoạt động khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, nhất là địa bàn hoạt động của Bộ đội Trường Sơn trong thời kỳ chống Mỹ.
Binh đoàn 12 sẽ phối hợp với Hội Truyền thống Trường Sơn và các địa phương lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung 9 Di tích thành phần vào Di tích Quốc gia đặc biệt và xây dựng một số bia di tích lịch sử trong hệ thống di tích quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Lập hồ sơ, đề nghị các cơ quan liên quan trình Chính phủ đề nghị Nhà nước Lào công nhận di tích lịch sử quốc gia Đường Hồ Chí Minh - Tây Trường Sơn trên đất bạn Lào.
* Tại họp báo, thông tin về kết quả triển khai chương trình khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam (Chương trình 504), Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC) cho biết: Triển khai thực hiện Chương trình, VNMAC đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2019/NĐ-CP ngày 1/2/2019 về quản lý khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; mở rộng và tăng cường xúc tiến các hoạt động hợp tác quốc tế, vận động tài trợ; tham mưu cho Chính phủ thành lập nhóm đối tác phát triển khắc phục hậu quả bom mìn.
Cùng với đó, triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền về thực trạng và hậu quả bom mìn, giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho người dân; tổ chức chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống bom mìn 4/4 hàng năm tại Hà Nội, Huế, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Cần Thơ, Đắk Lắk, Kon Tum, Khánh Hòa..., tạo sức lan tỏa và hiệu quả cao; thường xuyên tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên thân nhân gia đình nạn nhân bị tai nạn bom mìn.
VNMAC đã tập trung xác định ưu tiên, điều phối, thực hiện các dự án khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn thuộc Chương trình 504. Đã tiếp nhận và triển khai dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc KOICA tại Quảng Bình và Bình Định với tổng kinh phí 20 triệu USD...
Thời gian tới, việc củng cố, thực hiện hợp tác có hiệu quả, thiết thực đối với các đối tác, thúc đẩy các bên thực hiện Bản ghi nhớ đã ký kết, tập trung mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng sẽ được đặc biệt quan tâm.
Ngoài ra, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng dự án, trình thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn khắc phục hậu quả chiến tranh tại 5 tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Nam, Quảng Trị bằng nguồn vốn ODA tài trợ của các nước, tổ chức trong nước và quốc tế.
Phương Thanh