TĐKT- Ngày 27/6, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ báo chí. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì Hội nghị. Cùng dự, có Chánh Văn phòng Bộ, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành; lãnh đạo và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương.
Phát biểu tại buổi họp báo, thay mặt Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đã cảm ơn sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương trong thời gian qua. Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đánh giá cao sự đồng hành, chia sẻ, phối hợp của các nhà báo, các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương trong thời gian vừa qua với Bộ Nội vụ, góp phần vào việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt, là các lĩnh vực thuộc ngành Nội vụ. Đồng thời, qua thông tin của báo chí, Bộ Nội vụ cũng nhận thấy những vấn đề cần phải tiếp tục phấn đấu, hoàn thiện để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Thứ trưởng tin tưởng trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan thông tấn, báo chí về các hoạt động của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ.
Chánh Văn phòng Bộ, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành đã thông báo tới các cơ quan thông tấn, báo chí kết quả triển khai công tác Quý II năm 2017 và dự kiến nhiệm vụ công tác trong thời gian tới của Bộ Nội vụ. Ông Thành cho biết, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức triển khai tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị quyết số 39-NQ/TW, Quyết định số 2218/QĐ - TTg và Nghị định số 108/2014/NĐ – CP. Tính đến ngày 19/6/2017, trên cơ sở đề nghị của bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ đã thẩm tra đối tượng tinh giản biên chế năm 2015, năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017 với tổng số đối tượng giải quyết tinh giản biên chế là 28.230 người. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số bộ, ngành và địa phương chưa phê duyệt kế hoạch tin giảm biên chế của bộ, ngành, địa phương mình từ năm 2015 - 2021 và của từng năm. Tinh giản biên chế chủ yếu đối với đối tượng nghỉ hưu trước (86,22%), chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm. Một số bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế chưa đúng theo trình tự quy định; đưa vào diện tinh giản biên chế đối với một số trường hợp không thuộc đối tượng tinh giản.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại họp báo
Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu cho chính phủ chỉ đạo quyết liệt tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 2218/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các bộ, ngành địa phương chưa xây dựng đề án tinh giản biên chế phải khẩn trương xây dựng, phê duyệt.
Các bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt Đề án tinh giản biên chế nhưng kết quả thực hiện còn thấp, cần có giải pháp để thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế được phê duyệt.
Người đứng đầu bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện tinh giản biên chế. Nếu không hoàn thành kế hoạch tinh giản biên chế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải bị xử lý trách nhiệm về Đảng, Nhà nước.
Về vấn đề thông tin dư luận về đề xuất nghiên cứu bỏ “biên chế” và ký hợp đồng đối với viên chức thì theo quy định của Luật Viên chức, viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc. Về nội dung hợp đồng làm việc của viên chức được ký kết, thực hiện như hợp đồng lao động; các tranh chấp liên quan đến việc ký kết, thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc được giải quyết theo quy định của pháp luật về lao động.
Nhằm đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ người dân, Chính phủ đã thống nhất thực hiện việc quản lý số lượng người làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể: đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ (bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp bảo đảm chi thường xuyên) được quyết định số lượng người làm việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, trên cơ sở bảo đảm việc làm ổn định và thu nhập cho số lượng người làm việc tăng thêm. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ (do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên) thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định số lượng người làm việc trong tổng số người làm việc được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật, bảo đảm thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trường hợp tăng thêm số lượng người làm việc so với tổng số người làm việc được cấp có thẩm quyền giao, các bộ, ngành, địa phương gửi Bộ Nội vụ để thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Về một số kiến nghị, đề xuất nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý viên chức theo hướng thực hiện việc ký kết hợp đồng lao động đối với viên chức, như ngành giáo dục, y tế thời gian vừa qua, theo ông Nguyễn Tiến Thành, đây là vấn đề mới, cần được nghiên cứu một cách tổng thể, toàn diện.
Hồng Thiết