Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2022
13/01/2022 - 10:36

TĐKT - Chiều ngày 12/01, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu trung ương.

Thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, trong năm 2021, Bộ LĐTBXH xây dựng, trình 44 Đề án, gồm bao gồm 1 đề án trình Ban Bí thư, 1 hồ sơ đề nghị xây dựng luật, 42 đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; ban hành 25 thông tư.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao những kết quả đã đạt được của ngành LĐTBXH

Trong bối cảnh sự bùng phát của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động, lao động không có việc làm và thất nghiệp tăng, thu nhập của người lao động giảm, Bộ LĐTBXH đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động với hàng loạt giải pháp nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc; tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030; chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động; tăng cường thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến; chỉ đạo thực hiện chính sách cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Các địa phương cũng đã chủ động thực hiện linh hoạt các phương thức sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”; có giải pháp để duy trì lực lượng lao động, bảo đảm sức khỏe, an toàn và đời sống cho người lao động, nhất là trong các khu công nghiệp tập trung, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn lao động cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ việc làm cho lao động từ vùng dịch trở về địa phương...

Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021, thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp năm nay cao hơn năm trước, trong đó: Tỷ lệ thất nghiệp lao động trong độ tuổi khu vực thành thị ở mức cao là 4,42%; tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,33%.

Công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 do nhiều quốc gia đóng cửa, thực hiện giãn cách xã hội và không tiếp nhận lao động. Ước thực hiện cả năm đưa khoảng 45 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tặng Cờ thi đua cho các đơn vị

Công tác tuyển sinh, đào tạo, đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo hướng mở, linh hoạt; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tổ chức đào tạo trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp, qua đó góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề. Ước thực hiện cả năm tuyển mới giáo dục nghề nghiệp khoảng 1.896 nghìn người, đạt khoảng 80% kế hoạch, qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 26,1%.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ; an toàn, vệ sinh lao động và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam. Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN được quan tâm trong bối cảnh dịch bệnh, ước tính số người tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 16,578 triệu người, chiếm trên 36% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện chiếm 2,97% lực lượng lao động trong độ tuổi (vượt chỉ tiêu so với mục tiêu Trung ương giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW gần 2%); số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13,537 triệu người, chiếm trên 30% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, trong hai năm 2020 và 2021, do bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng khoảng 1,8%, trong đó các nước phát triển tăng 0,7%, các nước đang phát triển là 4,3%, còn riêng Việt Nam tăng 5,49%. Điều đó cho thấy mặc dù rất khó khăn nhưng trong 2 năm qua chúng ta rất cố gắng để đạt được mức tăng trưởng tốt so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.

Phó Thủ tướng đánh giá, trong năm 2021, ngành LĐTBXH có nhiều đổi mới, đặc biệt là tham mưu nhanh chóng, kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Nghị quyết 116 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành LĐTBXH vẫn phải duy trì các hoạt động chung như người có công, giảm nghèo đa chiều bền vững, hệ thống việc làm, đào tạo nghề, cho tới việc bảo vệ trẻ em… Đáng chú ý là tiếp tục có những đổi mới về cải cách hành chính. Năm 2016, Bộ LĐTBXH đứng thứ 16 về cải cách hành chính, nhưng sau đó dần tăng lên. Đến năm 2021, tăng lên thứ 7 về cải cách hành chính.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng nêu một số vấn đề cụ thể mà ngành LĐTBXH cần nhìn thẳng để có giải pháp làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Cụ thể, trong lĩnh vực người có công, dù đã có bước chuyển rất căn bản trong những năm qua, ngành LĐTBXH cần tiếp tục phối hợp với Bộ Quốc phòng giải quyết thật tốt công tác xác minh hồ sơ, công nhận người có công; hỗ trợ, chăm sóc người có công, thân nhân người có công ngày một tốt hơn.

Trong công tác giảm nghèo, Bộ LĐTBXH phải là đầu mối tổng hợp, chủ trì việc phối kết hợp thật đồng bộ giữa các bộ, ngành, nhất là cơ chế điều phối. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp, triển khai thật tốt chương trình giảm nghèo đa chiều; bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước, cần có chính sách huy động các nguồn lực bên ngoài tham gia nhiều hơn vào hệ thống trợ giúp xã hội, nhóm đối tượng bảo trợ xã hội…

Đối với công tác xuất khẩu lao động, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ LĐTBXH đã phối hợp rất tốt với Bộ Ngoại giao để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của lao động Việt Nam ở nước ngoài. Trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH vừa phát triển thị trường, vừa có chính sách, tuyên truyền để người lao động lựa chọn những thị trường được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp một cách chắc chắn.

Công tác đào tạo nghề cần tiếp tục quy hoạch, sắp xếp lại các đầu mối quản lý theo hướng “tự chủ, xã hội hóa, thống nhất đầu mối quản lý”, nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn.

Về vấn đề bảo vệ trẻ em, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại sự cố bạo hành trẻ em rất đau lòng, gây nhức nhối, mặc dù chúng ta đã có luật, chương trình giám sát nhưng mạng lưới bảo vệ trẻ em đặc biệt là mạng lưới cấp cơ sở xã phường còn mỏng, yếu. Do đó, trong bối cảnh dịch COVID-19, các địa phương cần thiết lập ngay mạng lưới bảo vệ trẻ em cấp xã... “Năm 2022, công tác này càng quan trọng vì sau một thời gian dài không đến trường học đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập, tâm sinh lý của các cháu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý ngành LĐTBXH.

Trong năm 2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn Bộ LĐTBXH quyết tâm, nỗ lực chuyển đổi số mạnh mẽ. Ngành LĐTBXH có thể đi trước một bước về chuyển đổi số nếu quyết tâm vì đây là ngành thực hiện chi trả qua bảo hiểm và ngân sách Nhà nước rất lớn, liên quan đến quyền lợi của người dân.

Hồng Thiết