Bệnh viện Phổi Trung ương hoàn thành mục tiêu đề ra
03/01/2018 - 15:48

TĐKT -  Năm 2017, Bệnh viện Phổi Trung ương đã hoàn thành mục tiêu đề ra và đạt được nhiều kết quả hơn mong đợi.

Năm 2017, Chương trình Chống lao quốc gia đã mở rộng diện tầm soát quản lý lao kháng thuốc từ 51 lên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chương trình chống lao đã mở rộng diện tầm soát lao đa kháng thuốc tới nhóm bệnh nhân lao phổi AFB (+) tại tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc. Áp dụng sớm các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, chuẩn bị cho việc phân loại sớm bệnh nhân lao kháng thuốc ngay từ đầu để đưa vào các phác đồ hiệu quả (phác đồ 9 tháng hoặc phác đồ chuẩn 20 tháng hoặc cá nhân).

Việt Nam là nước kiểm soát bệnh lao tốt nhất

Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 1,3 triệu người tử vong do lao, trong đó có khoảng 374.000 ca tử vong do đồng nhiễm lao/HIV. Tình hình dịch tễ lao kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp và đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia năm 2016. Đến nay, xu hướng dịch tễ bệnh lao trên toàn cầu đang có chiều hướng giảm với tỷ lệ mới mắc giảm trong khoảng thời gian dài và có tốc độ giảm khoảng 1,5%/năm.

Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến, mặc dù kinh phí còn hạn hẹp nhưng với đội ngũ cán bộ chất lượng cao, năm qua, công tác phòng, chống lao đã đạt được nhiều thành tích đáng kể. Phát huy những thành tựu đạt được, Thứ trưởng yêu cầu Bệnh viện Phổi Trung ương cần có những kế hoạch cụ thể, chi tiết để tiếp tục đạt được những kết quả cao trong phòng, chống lao từ năm 2018 - 2020. Bên cạnh đó, các bệnh viện khác cũng cần phải quan tâm đến chương trình phòng, chống lao quốc gia.

Theo chỉ số mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, ước tính tử vong do lao giảm liên tục trong những năm vừa qua từ 18.000 ca xuống 16.000 và đến năm nay là còn 13.000 ca. Lao mới mắc các thể giảm so với ước tính là 2,6%; lao/HIV dương tính mới mắc cũng giảm còn 4,2%. Đặc biệt, tỷ lệ lao đa kháng thuốc đối với bệnh nhân mắc mới không giảm nhưng tỷ lệ lao kháng thuốc điều trị lại thì tăng 26%, trong khi con số này năm 2015 - 2016 chỉ có 23%; HIV dương tính có số người nhiễm giảm còn 3%.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, chương trình đã đạt được một số mục tiêu về triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và xã phường, mạng lưới chống lao tiếp tục được mở rộng và củng cố, mở rộng triển khai hoạt động lao kháng đa thuốc (PMDT)…

Tuy nhiên, theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Nguyễn Viết Nhung, công tác phòng, chống lao vẫn còn gặp nhiều khó khăn: Dịch tễ lao ở Việt Nam còn cao, xếp thứ 15 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới; PMDT chưa tầm soát hết các đối tượng nghi MDR; công tác chống lao trong trại giam còn nhiều khó khăn như thiếu nguồn nhân lực có chất lượng, chưa sử dụng hiệu quả trang thiết bị chẩn đoán và điều trị lao…

Ngoài ra, để tăng cường việc sàng lọc phát hiện cũng như quản lý bệnh nhân sau chẩn đoán, Chương trình đã xúc tiến triển khai quản lý lao kháng thuốc tại Bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Đặc biệt là việc thu nhận bệnh nhân vào các nghiên cứu sử dụng thuốc và phác đồ mới trong điều trị lao kháng thuốc (Bedaquiline và phác đồ 9 tháng) đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên của nghiên cứu.

Đặc biệt, năm 2017, Chương trình Chống lao quốc gia bắt đầu áp dụng quy trình quản lý và điều trị bệnh nhân lao tiền siêu kháng và siêu kháng thuốc bằng phác đồ cá nhân tại các đơn vị quản lý lao kháng thuốc. Tính đến hết quý III/2017, cả nước thu dung điều trị 1.955 bệnh nhân lao kháng thuốc (chiếm 65,2%) so với chỉ tiêu quản lý 3.000 bệnh nhân. Trong năm 2017, Hà Nội có 154 người được chẩn đoán lao trong đó có 50 người được chẩn đoán lao kháng đa thuốc; Quảng Ngãi có 38 bệnh nhân lao có 1 lao kháng đa thuốc…

Bên cạnh đó, trong năm 2017, Chương trình Chống lao thực hiện hoạt động chăm sóc giảm nhẹ và mạng lưới tại 6 tỉnh, thành phố: Quảng Ngãi, An Giang, Ninh Thuận, Hậu Giang, Hà Nội và Hòa Bình; tổ chức 10 lớp đào tạo cho cán bộ y tế và tình nguyện viên về chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân lao kháng thuốc với 500 học viên tham gia.

Năm 2017 là năm ghi dấu nhiều thành công của Chương trình Chống lao quốc gia cả trong nước và quốc tế với việc tổ chức thành công phiên họp Đối thoại chính sách về “Tăng cường công tác phòng, chống lao và lao đa kháng thuốc trong khu vực APEC”. Chương trình cũng đã xây dựng thành công các bản đề xuất kế hoạch phòng, chống lao và nhận được phê duyệt từ Quỹ Toàn cầu, Bộ Y tế và chương trình cũng được CDC Hoa Kỳ cam kết tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính.

Hồng Thiết