TĐKT - Sáng 16/6, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia Phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức mít tinh hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày Quốc tế và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (PCMT) 26/6 với chủ đề “Hãy bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy”. Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm dự và phát biểu tại Lễ mít tinh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ mít tinh
Tại Việt Nam, cũng như nhiều nước khác, cuộc đấu tranh phòng, chống ma tuý luôn diễn ra cam go, gian nan, phức tạp từng ngày, từng giờ. Năm 2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra, bắt giữ 22.346 vụ, 34.494 đối tượng về ma túy (tăng 3.031 vụ và 3.493 đối tượng so với năm 2016); thu giữ 906,7 kg heroin (tăng 49%), 856,9 kg và 979.487 viên ma túy tổng hợp (tăng 129%), 376,4 kg cần sa khô, 111 kg cần sa tươi, 108 kg cỏ Mỹ, 17,6 kg ketamine cùng nhiều vật chứng, tài sản có liên quan.
Hiện cả nước có trên 220.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên toàn quốc. Ước tính số tiền người nghiện dùng để mua ma tuý khoảng 2.100 tỷ đồng/năm, thêm vào đó là hơn 1.000 tỷ đồng vận hành các trung tâm cai nghiện cùng những hệ luỵ tiêu cực về trật tự, an toàn xã hội.
Đáng chú ý, tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới như “ma túy đá”, “cần sa tổng hợp”, “thuốc lắc”… đang có dấu hiệu lan rộng ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, không ít bạn trẻ hiện nay vẫn còn rất mơ hồ về sự nguy hại của ma tuý, nhất là ma tuý tổng hợp, coi đó đơn thuần chỉ là các chất kích thích, có thể dùng chúng như một trò chơi, nên đã mắc nghiện, chịu hậu quả nặng nề về thể chất lẫn tâm thần.
Từ thực tế đáng lo ngại này, việc bảo vệ thế hệ trẻ trước làn sóng tấn công của các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần mới trở thành một nhiệm vụ cấp thiết.
Phát biểu tại Lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: Công tác phòng, chống ma túy ở nước ta luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự hưởng ứng, vào cuộc mạnh mẽ từ các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân. Công tác này đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, địa phương, với sự tham gia tích cực của nhiều thành phần xã hội.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tình hình tội phạm ma túy và tệ nạn sử dụng trái phép các chất ma túy ở nước ta còn diễn biến phức tạp, tác động đến nhiều mặt kinh tế – xã hội. Mặc dù các cơ quan chức năng, bằng nhiều kênh tuyên truyền đã tích cực phổ biến về tác hại của các loại ma túy, song những cảnh báo này chưa tạo ấn tượng đủ mạnh, nhất là trong giới trẻ...
Để tạo tính hiệu quả trong phòng, chống tác hại của ma túy trong xã hội nói chung và đối với thế hệ trẻ nói riêng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Các cấp, các ngành cần tổ chức hiệu quả Đề án “Tăng cường năng lực, phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2020”.
Chương trình giáo dục phòng ngừa ma túy cần được thiết kế theo trình tự, mức độ tăng dần và liên tục từ tiểu học đến bậc đại học; phải tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh, lồng ghép nội dung phòng, chống ma túy với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, diễn đàn… để thu hút giới trẻ tham gia.
Đối với học sinh, sinh viên có biểu hiện vi phạm pháp luật về ma túy thì cần kịp thời thông báo cho nhà trường, địa phương để có biện pháp cảm hóa, giúp đỡ, giáo dục hoặc tổ chức cai nghiện. Thế hệ thanh thiếu niên cần xác định rõ ràng động cơ học tập, tích cực tham gia các phong trào, sân chơi lành mạnh; tăng cường trau dồi các kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình trước hiểm họa ma túy…
Minh Phương