TĐKT - Nhằm góp phần tìm hiểu sâu sắc thêm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, vận dụng những tư tưởng ấy vào thực tiễn cách mạng Việt Nam trong điều kiện mới và hướng đến 15 năm thành lập Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (25/8/2004 - 25/8/2019), 72 năm thành lập Viện Huân chương (15/9/1947 - 15/9/2019), ngày 21/8, tại Hà Nội, Đảng bộ Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội nghị tuyên truyền 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Về phía khách mời, có GS. TS chuyên gia cao cấp, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực (ISSTH) Hoàng Chí Bảo.
PGS.TS Hoàng Chí Bảo giảng về tư tưởng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tại Hội nghị, GS. TS. Hoàng Chí Bảo, người đã có hơn 40 năm nghiên cứu về cuộc đời, tư tưởng, sự nghiệp của Bác Hồ cho biết, nửa thế kỷ trôi qua nhưng những tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong bản Di chúc vẫn là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ với 1.000 từ, nhưng Người đã làm nên một tổng kết lớn về lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam, sự nghiệp của Đảng, của dân tộc mà Người trọn đời gắn bó, dấn thân và dâng hiến.
Người cũng đặt ra vấn đề dự báo trong tương lai. Với tất cả sự nhạy cảm và linh cảm, Người biết rằng, đổi mới là thường xuyên và lâu dài, là một cuộc chiến đấu khổng lồ, chống lại những cái cũ kỹ, hư hỏng, lỗi thời, hướng tới tiến bộ, phát triển tốt đẹp, vì thế phải dựa vào dân, tập hợp dân thành phong trào, lực lượng để dân thực hiện.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn viết Di chúc vào dịp sinh nhật để vui chứ không buồn. Sự sống vốn mạnh hơn cái chết. Lấy sự sống để vượt lên cái chết, với Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản lĩnh văn hóa. Người thực sự là một hiện tượng văn hóa độc đáo.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà phát biểu kết luận Hội nghị
Từ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng thêm thấy rõ một con người thật mà có một cuộc đời huyền thoại. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc là định hướng cơ bản, quan trọng đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cả hôm nay và mai sau, vì mục tiêu đem lại độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, bao quát toàn diện các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…
GS. TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh, bản Di chúc lịch sử ấy đơn giản chỉ là “mấy lời để lại”, “tóm tắt vài việc”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, nhưng chứa đựng sự tổng kết lớn lao, vĩ đại của người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất, thể hiện trí tuệ mẫn tiệp, tầm nhìn xa, trông rộng của Người đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Bản Di chúc đó không chỉ là những lời căn dặn thiết tha, chứa đựng biết bao tình cảm, hoài bão và khí phách, thể hiện trong từng lời nhắc nhở, dặn dò trước lúc Người đi xa mà nó đã trở thành một tác phẩm “đặc biệt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tài sản vô cùng quý báu của Đảng Cộng sản Việt Nam và của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau nửa thế kỷ, càng sáng tỏ giá trị lịch sử và ý nghĩa định hướng cho cách mạng Việt Nam. Những tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong Di chúc vẫn là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam cả hôm nay và trong tương lai.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà gửi lời cám ơn sâu sắc đến GS. TS Hoàng Chí Bảo đã có bài chia sẻ quí báu và truyền đạt tư tưởng cốt lõi bổ ích về Di chúc của Người đến đông đảo cán bộ công chức viên chức hướng đến kỷ niệm ngày thành lập Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà cho biết, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần đề cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị; luôn “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên của toàn thể cán bộ, đảng viên là việc làm đúng đắn và cần thiết.
Hồng Thiết