5 đơn vị ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp ngành may tại Hưng Yên
15/07/2019 - 14:49

TĐKT- Chiều ngày 14/7, tại Văn Lâm, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Hưng Yên tổ chức Lễ ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhóm doanh nghiệp (DN) may thuộc huyện Văn Lâm.

Dự Lễ ký kết có các đồng chí: Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Lê Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam; đại diện các cơ quan chức năng và các DN ngành may trên địa bàn huyện Văn Lâm.

Đại diện các đơn vị tham gia ký kết

Bà Tôn Kim Thúy – Chủ tịch LĐLĐ huyện Văn Lâm – cho biết: Một năm trước, LĐLĐ huyện Văn Lâm được lựa chọn thực hiện thí điểm Dự án về “Thúc đẩy đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng hiệu quả trong ngành may”. Dự án được ký kết giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Công đoàn Hà Lan; bắt đầu thực hiện tại 7 doanh nghiệp may trên địa bàn huyện Văn Lâm.

Sau một năm thực hiện các bước, từ tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ công đoàn, nhóm nòng cốt nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, làm việc với lãnh đạo các doanh nghiệp và thương lượng, đã có 5/7 doanh nghiệp đồng ý ký TƯLĐTT nhóm.

Thỏa ước nhóm được ký kết với 3 chương, 14 điều, trong đó có 8 điều quy định về phúc lợi cho người lao động (NLĐ): Thưởng tháng lương thứ 13 cho NLĐ có thời gian làm việc đủ từ 12 tháng trở lên. Mức thưởng ít nhất là 1 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động; tiền ăn giữa ca 16.000 đ/người/bữa (chỉ bao gồm chi phí thực phẩm); NLĐ được nghỉ thêm (ngoài thời gian nghỉ giữa giờ theo quy định của pháp luật) ít nhất 10 phút để tập thể dục với sự hướng dẫn của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở; DN dành ít nhất 8 giờ/năm (trong giờ làm việc, có hưởng lương) để công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức cho NLĐ tham gia học tập, bồi dưỡng kiến thức pháp luật. Đặc biệt, lao động nữ được hỗ trợ từ 30.000 đ - 50.000 đ/người/tháng tiền phụ nữ.

3 lợi ích còn lại là về tổ chức tham quan, du lịch, ngoại khóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần của người lao động; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hỗ trợ tiền hoặc tặng quà cho người lao động nhân các ngày lễ, kỷ niệm trong năm và thưởng sáng kiến, thi đua, năng suất cho người lao động có sáng kiến, năng suất cao, đạt thành tích trong các phong trào thi đua do DN, công đoàn cơ sở phát động.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu ghi nhận sự nỗ lực của LĐLĐ tỉnh Hưng Yên, LĐLĐ huyện Văn Lâm, các công đoàn cơ sở; sự quan tâm, ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương và sự hợp tác thiện chí của 5 doanh nghiệp tham gia ký kết.

Việc ký kết TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp ngành may không chỉ mang lại lợi ích cho NLĐ mà còn với cả doanh nghiệp và các cấp quản lý. NLĐ trong các doanh nghiệp tham gia thỏa ước chung sẽ ít có động cơ tự ý rời bỏ công việc hơn. Các doanh nghiệp tham gia TƯLĐTT nhóm cũng nhờ đó hạn chế được tình trạng ngưng việc, bất ổn sản xuất và cạnh tranh lao động trong ngành. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp và nâng chất lượng lao động ngành dệt may.

Theo ông  Lê Xuân Thành - Phó cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp may tại huyện Văn Lâm, Hưng Yên được ký kết là cơ sở pháp lý quan trọng để người sử dụng lao động và đại diện tập thể NLĐ cam kết thực hiện tốt các nội dung được thương lượng, góp phần giảm bớt sự cạnh tranh giữa các DN về mặt lao động, tạo sự ổn định về lao động trong doanh nghiệp, góp phần ổn định tình hình sản xuất của doanh nghiệp.

Ông Thành mong muốn, trong thời gian tới các DN tham gia TƯLĐTT nhóm cần cụ thể hóa nội dung hoạt động của doanh nghiệp mình, không thấp hơn TƯLĐTT nhóm, nhất là những nội dung cốt lõi trong quan hệ lao động, như tiền lương...

Liên đoàn Lao động huyện Văn Lâm và CĐCS 5 doanh nghiệp giám sát việc thực hiện thỏa ước bảo đảm thực chất, hiệu quả cao. Từ đó, nhân rộng việc ký kết TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp góp phần nâng cao hơn nữa phúc lợi cho người lao động.

Thục Anh