343 tham luận tiếng Anh tại Hội thảo khoa học quốc tế nhân Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019
14/05/2019 - 15:29

TĐKT - Ngày 13/5, tại điện Tam Thế thuộc Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, Ủy ban tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế bằng tiếng Anh với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Hội thảo đã thu hút hàng trăm chư tôn đức, học giả, nhà nghiên cứu, Phật tử tham gia tại mỗi diễn đàn.

Diễn đàn Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững

Gắn liền với chủ trương của Liên hợp quốc và mối quan tâm của quốc gia tổ chức, các chuyên đề Hội thảo Phật giáo thế giới và tuyên bố Hà Nội, Ninh Bình và Hà Nam là sự đóng góp của Phật giáo vào kho tàng tri thức nhân loại, đồng thời đóng góp vào giải pháp về các vấn đề đời sống xã hội toàn cầu.

Ngày nay, thế giới có quá nhiều biến đổi lớn nên cụm từ “phát triển bền vững" và "lãnh đạo toàn cầu” tại Hội thảo càng ý nghĩa hơn.

Phật pháp nhấn mạnh đến việc thấu hiểu kinh Phật khi xử lý các vấn đề thế giới phải đối mặt, tìm hiểu đặc điểm và bối cảnh thay đổi trong thời hiện tại cần phải nhận thức triết lý Phật giáo cũng như tập trung làm sáng tỏ bản chất trong cách tiếp cận của nhà Phật.

Nói về chủ đề chính của Vesak 2019 - “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi các nhà lãnh đạo thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc trên nền tảng của tầm nhìn và trách nhiệm toàn cầu.

Hòa thượng đề nghị áp dụng Bát Chánh đạo như giải pháp hữu hiệu cho các vấn nạn toàn cầu, theo đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của các cá nhân, hướng đến việc xây dựng xã hội bền vững và hòa bình thế giới.

Phân tích về chủ đề chính của Vesak 2019, Giáo sư S. R. Bhatt, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Triết học Ấn Độ chứng minh sự thích ứng của lời Phật dạy trong xã hội đương đại, đề cao lối sống hòa hợp nhằm chia sẻ tương lai. Theo tác giả, cần phát triển sự toàn cầu hoá về đời sống tinh thần như nền tảng phát triển bền vững, bên cạnh sự thành tựu các mục đích vật chất.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận ở 5 diễn đàn: Sự lãnh đạo bằng chánh niệm vì hòa bình bền vững; cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững; cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu; Phật giáo và cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững.

Đã có 343 tham luận bằng tiếng Anh tham gia Hội thảo, hơn 100 bài tham luận được trình bày trực tiếp tại các diễn đàn. Với rất nhiều câu hỏi vấn đáp và phần thảo luận sôi nổi, Hội thảo quốc tế đã đi đến thống nhất một số giải pháp để giải quyết và hướng đến vấn đề cho cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững.

Phương Thanh