10 sự kiện nổi bật năm 2021 của ngành BHXH Việt Nam
05/01/2022 - 15:24

TĐKT - Năm 2021 đi qua với biết bao khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, nhưng cũng là năm để lại nhiều dấu ấn quan trọng đối với đất nước, với ngành BHXH Việt Nam. Dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, tổ chức; cùng sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt khó của mỗi công chức, viên chức, người lao động, ngành Bảo hiểm xã hội  (BHXH) Việt Nam đã thực hiện thắng lợi mục tiêu kép: vừa hoàn thành các nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, thách thức, vừa thực hiện thành công, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do dịch Covid-19.

https://baohiemxahoi.gov.vn:4545/pic/new_BHXH/Khac/4_20220101023340PM.jpg

BHXH Việt Nam được đánh giá là cơ quan triển khai hiệu quả và được xếp hạng 2 trong khối Bộ, ngành; đứng thứ nhất bảng xếp hạng Chính phủ điện tử khối cơ quan thuộc Chính phủ.

Bước sang năm mới 2022, cùng điểm lại 10 sự kiện nổi bật trong năm 2021 của ngành BHXH Việt Nam.

Thứ nhất, thích ứng nhanh, linh hoạt với tình hình dịch Covid-19, đảm bảo tốt nhất quyền lợi người tham gia, thụ hưởng chính sách. Trong năm 2021, ước toàn ngành đã giải quyết khoảng 95.762 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; đảm bảo chi trả kịp thời, an toàn cho khoảng 3,2 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; chi trả 6.698.566 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 626.397 người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); 118,721 triệu lượt người khám chữa bệnh (KCB) BHYT nội trú và ngoại trú.

Thứ hai, chủ động trong tham mưu, quyết liệt trong thực hiện, BHXH Việt Nam đã nhanh chóng triển khai thành công các chính sách hỗ trợ đối với người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Việc chi trả nhanh, gọn, dứt điểm các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đúng lúc NLĐ, NSDLĐ đang gặp khó khăn có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với cuộc sống người lao động, nhất là những lúc khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.

Thứ ba, số người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục tăng trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước. Đáng chú ý trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục tăng trưởng mạnh, là một trong những điểm sáng của ngành, được các đại biểu Quốc hội khóa XV ghi nhận, đánh giá cao. Trong năm 2021, ước có trên 1,3 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,7% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, tăng 1,7% chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Thứ tư, bước chuyển mình quan trọng trong chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam. Đặc biệt ứng dụng “VssID - BHXH số” ước đến hết ngày 31/12/2021 đã có gần 25 triệu người cài đặt, sử dụng để quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách, thực hiện các dịch vụ công; hơn 500 nghìn lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để đi KCB trên toàn quốc… Có thể thấy, ứng dụng VssID đã đem đến thành công bước đầu trong công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam.

Nhờ thành quả trên, trong 4 năm liên tiếp từ 2017 đến 2020, BHXH Việt Nam được đánh giá là cơ quan triển khai hiệu quả và được xếp hạng 2 trong khối Bộ, ngành; đứng thứ nhất bảng xếp hạng Chính phủ điện tử khối cơ quan thuộc Chính phủ.

Thứ năm, Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm. Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm bao gồm 9 nhóm thông tin, trong đó các nhóm thông tin về BHXH, BHYT, BHTN là những dữ liệu gốc. Đây là cơ sở dữ liệu của Chính phủ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin về bảo hiểm phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thứ sáu, đổi mới, sáng tạo, tăng cường thanh tra, kiểm tra theo phương thức điện tử, thích ứng linh hoạt với tình hình dịch Covid-19. Đây là cơ sở để đáp ứng nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giải quyết, thanh toán các chế độ, chính sách BHXH, BHYT nếu được giao mà không cần tăng thêm tổ chức, biên chế.

Thứ bảy, hoàn thành vượt chỉ tiêu Chính phủ giao về chi trả chế độ BHXH, BHTN qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Đặc biệt, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã được ngành BHXH Việt Nam đẩy mạnh khi triển khai gói hỗ trợ từ Quỹ BHTN theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ giúp Ngành chi trả kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch các khoản hỗ trợ mà còn đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân do không phải nhận hỗ trợ theo hình thức trực tiếp, hạn chế đi lại, góp phần hiệu quả cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Thứ tám, đổi mới nội dung, hình thức truyền thông, thích ứng linh hoạt trong bối cảnh dịch Covid-19. Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục được tăng cường, nhất là trên sóng truyền hình, sóng phát thanh vào các khung giờ “vàng” thu hút nhiều khán, thính giả. Trong năm đã có trên 31.300 tin, bài, phóng sự tuyên truyền về BHXH, BHYT, BHTN được các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đăng tải, phát sóng (tăng gần gấp 2 lần so với năm 2020), trung bình mỗi ngày có khoảng 90 tin, bài, phóng sự trên các báo để lan tỏa chính sách BHXH, BHYT đến người dân.

Thứ chín, dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc người tham gia, thụ hưởng được đẩy mạnh. Kết quả đã hỗ trợ, tư vấn 406.922 lượt (tăng 26%) qua hệ thống tổng đài; trả lời 7.914 câu hỏi trên Cổng Thông tin điện tử, Fanpage của BHXH Việt Nam (tăng gấp 10 lần). Đặc biệt, năm 2021, ngành BHXH Việt Nam đã ban hành Quy trình thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân trong tham gia, thụ hưởng chế độ. Hoạt động của hệ thống chăm sóc khách hàng của ngành được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Thứ mười, tăng cường các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an sinh xã hội.

Trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thích ứng hiệu quả với định hướng đối ngoại, hội nhập quốc tế trên nền tảng số, BHXH Việt Nam tiếp tục duy trì, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trực tuyến; tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến ASSA 38 tại điểm cầu Việt Nam; tạo sự đồng thuận và gắn kết giữa các doanh nghiệp FDI với BHXH Việt Nam trong chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT.

Hồng Thiết