Đổi thay từ phát triển giao thông nông thôn
11/10/2021 - 09:59

TĐKT - Xác định được tầm quan trọng của giao thông nông thôn (GTNT), những năm qua huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng GTNT ngày càng hoàn chỉnh, làm cho diện mạo làng quê ngày càng khởi sắc.

Hệ thống giao thông nông thôn có nhiều đổi thay

Trước đây, hạ tầng giao thông ở Tứ Kỳ còn yếu kém, chủ yếu đường đất “nắng bụi, mưa lầy”. Do đó, huyện xác định xây dựng hệ thống giao thông bảo đảm đi lại thông suốt 4 mùa là nhiệm vụ cốt lõi. Đặc biệt, khi huyện bắt tay vào xây dựng nông thôn mới và có chủ trương hỗ trợ xi măng, phong trào xây dựng và bê tông hóa GTNT trên địa bàn huyện được đẩy mạnh và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ.

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”, trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, các địa phương trong huyện đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp, làm đường nông thôn theo quy hoạch. Từ năm 2016 - 2019, các xã đã tiếp nhận hơn 23.500 tấn xi măng được tỉnh hỗ trợ để bê tông hóa 8,3 km đường xã, 25,6 km đường thôn, 85,3 km đường xóm và 13,1 km đường trục chính ra đồng.

Đến nay, 10/10 đường trục xã trong huyện với tổng chiều dài gần 34 km đã được mở rộng từ 3,5 - 7,5 m, mặt trải nhựa hoặc bê tông, đạt tiêu chuẩn đường cấp VI đến cấp V đồng bằng như: Đường 191N qua các xã Văn Tố, Phượng Kỳ, Hà Kỳ dài gần 9 km đã được cải tạo, trải bê tông, mặt đường mở rộng lên 7,5m với tổng kinh phí gần 108 tỷ đồng do Nhà nước và nhân dân cùng làm; đường 191E từ Quang Phục đi xã Bình Lãng; đường 191P từ xã Hưng Đạo đến xã Tái Sơn…

Riêng giai đoạn 2015 - 2020, huyện Tứ Kỳ đã tranh thủ các nguồn lực, đầu tư khoảng 400 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp các tuyến đường do huyện quản lý.

Cùng với phát triển giao thông các đường trục liên xã, các đường thôn, xóm trên địa bàn đều được đổ bê tông, cứng hóa, bảo đảm sạch sẽ, giúp người dân đi lại thuận tiện. Toàn huyện hiện có 116,5 km đường đi ra đồng được bê tông hóa, cứng hóa với chiều rộng mặt đường từ 3 m trở lên.

Chị Nguyễn Thị Huyên (xã An Thanh) vui mừng chia sẻ: Trước đây, các trục đường của xã đều là đường đất, nắng thì bụi, mưa thì lầy lội, các em học sinh đi tới trường luôn lấm lem bùn đất. Từ khi có chủ trương xây dựng NTM, Nhà nước và nhân dân cùng góp sức, đến nay 100% các tuyến đường trong xã được bê tông hóa, rộng rãi, đi lại rất thuận tiện, an toàn”.

Có thể thấy, từ một địa phương có mạng lưới giao thông kém phát triển, giờ đây Tứ Kỳ đã có hệ thống giao thông phát triển đa dạng, đồng bộ. Địa phương có nhiều tuyến đường bộ huyết mạch của khu vực đi qua như ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 10, quốc lộ 37.

Ngoài ra, đường tỉnh qua địa bàn huyện cũng có 56 km (gồm 21 km đường gom đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, 30,8 km đường tỉnh 391, 4,2 km đường tỉnh 392). Các tuyến giao thông kết nối với nhau tạo ra diện mạo mới và là động lực to lớn thúc đẩy kinh tế địa phương ngày một phát triển.

Nhiều khu, cụm công nghiệp dọc các tuyến đường tỉnh 391, 392, đường huyện, liên xã đã, đang và chuẩn bị hình thành, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động. Khi những tuyến đường này hoàn thành sẽ càng tạo ra nhiều lợi thế, giúp huyện khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện tại, các địa phương trong huyện đã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM đang tích cực huy động nguồn lực, vận động nhân dân hiến đất mở đường hướng tới xây dựng NTM nâng cao. Riêng xã An Thanh đang triển khai giai đoạn 1 dự án cải tạo, nâng cấp đường trục xã dài 1,8 km từ cống T1 về trụ sở UBND xã. Dự kiến công trình hoàn thành vào cuối năm nay. Một số đường trục các xã Ngọc Kỳ, Quang Khải... cũng đang được đầu tư mở rộng, hướng tới mục tiêu về đích NTM nâng cao trong thời gian sớm nhất.

Tùng Chi