TĐKT - Năm 2018, với tinh thần thi đua quyết tâm cao, siết chặt kỷ cương, tinh thần sáng tạo, đổi mới lề lối, phong cách làm việc, Sở Văn hoá và Thể thao (VH&TT) Hà Nội đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo chủ đề của năm “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Toàn ngành đã thi đua nỗ lực, cố gắng hoàn thành kế hoạch công tác đã đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trong cả 3 lĩnh vực văn hoá, thể thao và gia đình.
Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết, trong 1 năm vừa qua, Sở đã hoàn thành tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 – 2020”. Tuyên truyền, triển khai thực hiện 2 Quy tắc ứng xử đã được cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở vào cuộc đồng bộ với nhiều hình thức, giải pháp phong phú, đa dạng.
Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội trao đổi với báo chí tại buổi gặp mặt chiều 27/12
Công tác tổ chức hoạt động, sự kiện được đổi mới, nâng cao chất lượng với 162 sự kiện tổ chức tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (trong đó có 7 sự kiện của các tỉnh, thành phố và 21 sự kiện quốc tế). Sở VH&TT đã tổ chức 2.876 buổi biểu diễn nghệ thuật, 5.938 buổi chiếu phim, 50 giải thể thao quần chúng trên địa bàn thành phố. Tổ chức thành công nhiều sự kiện kỷ niệm những ngày lễ, sự kiện chính trị lớn của đất nước và Thủ đô trong năm 2018, tiêu biểu là: Lễ kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội; các sự kiện văn hóa, thể thao quy mô, đẳng cấp: Chương trình hòa nhạc Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert 2018; Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V năm 2018; Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2018; Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2018; Lễ hội đường phố “Tinh hoa Hà Nội – Hội tụ và tỏa sáng”, Giải chạy Marathon quốc tế di sản Hà Nội 2018; Liên hoan nghệ thuật hát Văn – hát Chầu Văn Hà Nội năm 2018; Lễ hội bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng 2018; Ngày Văn hóa Anh, Ixrael, Lễ hội Đức, Pháp, Thái Lan…
Điểm đặc biệt là nhiều sự kiện được tổ chức theo hình thức xã hội hóa. Đây là sự nỗ lực không ngừng của ngành Văn hóa và Thể thao góp phần quảng bá, giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, Thủ đô trong nước, quốc tế; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô; nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy du lịch phát triển.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị của 5.922 di tích trên địa bàn thành phố tiếp tục đạt được nhiều kết quả. Lượng khách đến tham quan, khám phá, nghiên cứu tại 3 di tích do Sở VH&TT trực tiếp quản lý: Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn ngày một tăng với hơn 3 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch.
Việc tu bổ, tôn tạo di tích được quan tâm đầu tư kết hợp giữa nguồn ngân sách của thành phố, quận, huyện, thị xã và nguồn xã hội hóa trong nhân dân. Năm 2018, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 6269/QĐ-UBND ngày 16/11/2018 về việc “Bổ sung kinh phí cho các huyện, thị xã để thực hiện tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp cho 50 di tích xếp hạng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đặc biệt, 3 di tích thuộc TP Hà Nội là: Di tích lịch sử Gò Đống Đa (quận Đống Đa), Đình So (huyện Quốc Oai), Đình Tường Phiêu (huyện Phúc Thọ) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Song song với đó, công tác tổ chức và quản lý hoạt động lễ hội năm 2018 có nhiều chuyển biến tích cực. Mùa lễ hội 2018, TP Hà Nội không còn những điểm nóng, hình ảnh phản cảm trong lễ hội của những năm trước như: Cướp lộc tại Lễ hội đền Sóc; lộn xộn, tranh giành khi phát lộc tại Lễ hội chùa Hương… Hà Nội là địa phương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao về những chuyển biến, kết quả đạt được trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018.
Công tác trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan được triển khai chủ động, đồng bộ từ thành phố đến cơ sở; có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại; hình thức, thiết kế mẫu trang trí có nhiều đổi mới. Cuộc vận động thiết kế mẫu trang trí tuyên truyền năm 2018; tổ chức trang trí cây hoa, cây cảnh Xuân Mậu Tuất tại các quận, huyện, thị xã được các doanh nghiệp, nhân dân hưởng ứng, tổ chức thực hiện, góp phần làm đẹp cảnh quan, mỹ quan đường phố Thủ đô.
Năm 2018 cũng là một năm thành công của thể thao Hà Nội khi giữ vững ngôi vị dẫn đầu cả nước tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII – Hà Nội 2018. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” diễn ra rộng khắp trên toàn thành phố. Chỉ số về phong trào thể dục thể thao (TDTT) quần chúng năm 2018 hoàn thành kế hoạch đề ra với 36% số người luyện tập thể thao thường xuyên, 28% số hộ gia đình thể thao; toàn thành phố có 3.250 Câu lạc bộ TDTT. Đặc biệt, sau hơn 2 năm đàm phán, Hà Nội – Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 22 Giải đua xe Công thức 1 Thế giới – giải đua xe danh giá, danh tiếng trên thế giới.
Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động khẳng định năm 2018 là năm thành công của thể thao Hà Nội với nhiều sự kiện tiêu biểu, ghi dấu ấn đậm nét. Bên cạnh đó, để đón chào năm mới 2019 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Sở đang tiến hành việc trang trí đường phố với 12 mẫu trang trí được tuyển chọn kỹ lưỡng.
Đồng thời, Sở cũng tiến hành trang trí đường phố bằng hoa thật, khuyến khích doanh nghiệp và người dân cùng trang trí con đường, khu phố nơi sinh sống cũng như kêu gọi việc giữ gìn cảnh quan môi trường chào đón năm mới, để TP Hà Nội luôn sáng – xanh – sạch – đẹp.
Hồng Thiết