Khai mạc triển lãm về dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
25/04/2019 - 15:37

TĐKT - Sáng 25/4, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa và Phú Thọ tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề “Dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Tới dự, có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trung tướng Lê Hiền Vân, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham quan triển lãm

Triển lãm giới thiệu hơn 300 tài liệu, hình ảnh, hiện vật về lực lượng dân công hỏa tuyến tham gia bảo đảm công tác hậu cần, phục vụ bộ đội chiến đấu và giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ở Tây Bắc, lực lượng dân công hỏa tuyến đã sáng tạo ra nhiều phương thức vận chuyển độc đáo, “xẻ núi, bạt đồi, đào hầm”, tận dụng triệt để các phương tiện vận chuyển như bè mảng, xe đạp thồ, trâu, bò... để đưa đạn dược, thực phẩm, nhu yếu phẩm kịp thời đến với bộ đội ở tiền tuyến.

Đã có gần 21.000 xe đạp thồ, 7.000 xe cút kít, 1.800 xe trâu, bò kéo... được huy động để vận chuyển hơn 24.000 tấn gạo, 1.800 tấn thực phẩm, 1.450 tấn đạn, 10.139 thương binh... Những phương tiện vận chuyển của dân công hoả tuyến làm kẻ địch bất ngờ, không thể dự tính.

Triển lãm gồm 3 nội dung: Dốc sức cho Điện Biên; Điện Biên – điểm hẹn quyết chiến, quyết thắng; âm vang còn mãi.

Ngoài 3 nội dung trên, điểm nhấn của triển lãm là phần mở đầu giới thiệu một số hình ảnh, hiện vật về chủ trương của quyết tâm mở Chiến dịch Điện Biên Phủ của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Bác Hồ động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ, dân công vượt qua mọi khó khăn, gian khổ quyết tâm giành chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu trưng bày tại triển lãm gồm: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong làm nhiệm vụ sửa đường trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, tháng 12/1953; Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong ở mặt trận Điện Biên Phủ và đồng bào địa phương, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 8/5/1954.

Trưng bày giới thiệu nhiều phương tiện vận tải của lực lượng dân công được sử dụng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Bên cạnh các hình ảnh về dân công hỏa tuyến và bộ đội công binh làm đường chuẩn bị cho chiến dịch, phần trưng bày “Dốc sức cho Điện Biên” còn giới thiệu các hình ảnh, tài liệu tiêu biểu như: Sơ đồ đổ bộ đường không của tướng Gilles tại Điện Biên Phủ ngày 20/11/1953; Tài liệu Phòng thủ Điện Biên Phủ của Đại tá Lăngle chỉ huy khu sân bay gửi đơn vị quân Pháp phòng thủ các hướng quân Việt Minh có thể tiến đánh, ngày 6/1/1954…

Cờ thưởng tặng cho các lực lượng tham gia chiến dịch

Một số hiện vật của các chiến sĩ dân công tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ được trưng bày tại triển lãm: Giấy chứng nhận Chiến sĩ dân công vẻ vang mặt trận Điện Biên Phủ của ông Vũ Kế Khôi, ông Thái Văn Phúc và ông Hoàng Thanh Bằng; đoàn dân công xe đạp tỉnh Thanh Hóa tham gia vận chuyển lương thực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954; áo sơ mi của ông Trịnh Mạnh Hàm, dân công xe đạp thồ tỉnh Phú Thọ đã sử dụng khi tham gia phục vụ chiến dịch.

Phần trưng bày “Điện Biên - Điểm hẹn quyết chiến, quyết thắng” phản ánh quá trình chiến đấu anh dũng của quân và dân ta với thực dân Pháp tại lòng chảo Điện Biên.

Phần trưng bày “Âm vang còn mãi” giới thiệu một số hình ảnh về Điện Biên Phủ ngày nay; chiến trường Điện Biên Phủ nay là di tích lịch sử góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Triển lãm chuyên đề “Dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ” góp phần tưởng nhớ và tri ân nhưng chiến công, sự hy sinh thầm lặng của lực lượng dân công hỏa tuyến đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Phương Thanh