TĐKT – Ngày 22/12, nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Liên đoàn cờ Việt Nam và Đại tá nhà văn Nguyễn Quý Hải tổ chức buổi lễ Bế mạc Hội thi Cờ tư lệnh năm 2018 và Trao Kỷ lục Việt Nam “Bộ cờ tư lệnh đầu tiên” cho Đại tá, nhà văn Nguyễn Quý Hải.
Tới dự, có Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam; các tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tá Mai Thị Ngọc, Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam; ông Hoàng Thái Tuấn Anh, Trưởng đại diện Văn phòng Phát triển Kỷ lục Miền Bắc, cùng đông đảo các kỳ thủ cờ tư lệnh Việt Nam và quốc tế tham gia giải đấu.
“Bộ cờ tư lệnh đầu tiên” của Đại tá, nhà văn Nguyễn Quý Hải được trao Kỷ lục Việt Nam
Bộ môn cờ tư lệnh (tên khác là cờ chiến) là một sáng tạo của Đại tá - nhà văn Nguyễn Quý Hải, người từng là tiểu đoàn trưởng pháo 130mm trong chiến dịch tiến công Quảng Trị năm 1972. Sản phẩm trí tuệ này đã được công nhận bản quyền ở Việt Nam vào năm 2010. Đây là trò chơi cờ hoàn toàn "made in Vietnam" với quân cờ là các khí cụ chiến tranh hiện đại như máy bay, xe tăng, tên lửa, tàu chiến…
Bàn cờ tư lệnh có 11 đường dọc và 12 đường ngang cắt nhau vuông góc tại 132 điểm hợp thành. Có một khoảng trống ước lệ, đó là sông (màu xanh nhạt). Sông nằm ngang, chia bàn cờ thành hai phần đối xứng, gọi là chiến tuyến. Trên sông (chiến tuyến) có hai đoạn nước nông, dưới có nền đá, được gọi là ngầm. Mọi phương tiện đều có thể vượt qua ngầm. Có hai dãy ô vuông chạy dọc suốt hai chiến tuyến, được quy ước đó là trên biển để có lực lượng hải quân tham chiến.
Mỗi ván cờ lúc bắt đầu chơi có đủ 38 quân, số quân đó được chia đều cho hai bên: 19 quân đỏ, 19 quân xanh; bao gồm 11 loại quân, có biểu tượng tượng trưng cho các quân binh chủng hiện đại như bộ binh, xe tăng, máy bay, tàu chiến..., đặc biệt có cả đội dân quân tóc dài.
Quân cờ của bên xanh hoặc bên đỏ, chỉ khác nhau về màu sắc, còn ký hiệu, cách đi và cách "ăn" quân đối phương hoàn toàn giống nhau. Trong số 19 quân, có hai quân sở chỉ huy, chỉ đứng tại chỗ làm vật cản, không được đi và "ăn" quân đối phương.
Bộ môn cờ tư lệnh đã được đông đảo người Việt Nam và bạn bè quốc tế biết đến
Hiện nay, bộ môn cờ tư lệnh đã được đông đảo người Việt Nam và bạn bè quốc tế biết đến. Ở nước ta, hằng năm đều có Hội thi cờ tư lệnh được tổ chức định kỳ. Có rất nhiều kỳ thủ cũng như những người đam mê cờ trên thế giới ở nhiều độ tuổi đã đến Việt Nam để tham dự.
Luật chơi cờ tư lệnh đã được dịch ra bốn thứ tiếng trên thế giới. Sản phẩm cờ tư lệnh có bán tại nhiều quốc gia: Đức, Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Croatia, Slovenia... Không những thế, bạn bè quốc tế còn sẵn sàng phát triển bộ môn cờ tư lệnh trên internet để tất cả mọi người trên thế giới đều có thể chơi ở bất kỳ đâu.
Ngoài là cha đẻ của môn cờ "made in Vietnam", Đại tá Nguyễn Quý Hải còn là một nhà văn, nhà thơ, đạo diễn phim... Ông đã cùng Xưởng phim Quân đội làm 6 cuốn phim nhựa “Bước chân pháo binh”; biên tập và đạo diễn nhiều phim phóng sự tài liệu và chương trình âm nhạc nổi bật như phim “Hà Nội 12 ngày đêm lịch sử”, “Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia”, “Đài Khí tượng Trường Sa”, “Tâm tình phi đội”… Những tác phẩm sân khấu như "Tre xanh", "Lũ quét", "Gió mới", "Người mở đường", "Cái chổi", "Công chúa và người trồng rừng", "Đêm có màu tình yêu"… Trong đó, kịch bản “Bến đợi” từng được nhận giải thưởng của Bộ Quốc phòng. Kịch bản “Đợi anh về” được tặng bằng khen Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2009...
Với ý nghĩa của môn cờ tư lệnh, năm 2016, Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu đã phối hợp với Tổng cục Thể dục - Thể thao mở lớp đào tạo huấn luyện viên cờ tư lệnh cho đội ngũ cán bộ phụ trách huấn luyện thể dục - thể thao các đơn vị trong toàn quân tại Trung tâm Huấn luyện Miếu Môn (Hà Nội). Liên đoàn Cờ Việt Nam đã mở lớp tập huấn tại Đà Lạt năm 2016. Nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở, học viện, nhà trường, các đơn vị trong quân đội đã được Đại tá Nguyễn Quý Hải trực tiếp giảng dạy, phổ biến cách chơi cờ tư lệnh.
Mai Thảo